Tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghệ tài chính
Ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính (Fintech) là xu thế tất yếu của thị trường tài chính, do đó cần có chính sách quản lý và tạo hành lang pháp lý nhằm phát triển hiệu quả lĩnh vực này.
Đây là nội dung được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Chính sách thử nghiệm (Sandbox) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 11/9.
Theo ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Công ty ATM Online, hiện ngày càng nhiều công ty ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính (công ty Fintech) nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để điều chỉnh hoạt động của các công ty này.
Việc chưa có khung pháp lý khiến khách hàng khó phân biệt được những công ty Fintech tốt và những App cho vay nặng lãi.
Thị trường mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang trở nên lộn xộn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động, sự phát triển của ngành Fintech nói chung và hoạt động tín dụng, L2P Lending nói riêng.
Đầu tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra Dự thảo về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong hoạt động ngân hàng. Khi được ban hành, cơ chế này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động của các công ty Fintech.
Các chuyên gia cho rằng, cơ chế thử nghiệm có thể giúp nâng cao tài chính toàn diện thông qua đổi mới công nghệ, đồng thời giúp tăng cường năng lực xây dựng chính sách của nhà quản lý, hài hòa giữa hỗ trợ đổi mới và hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế thử nghiệm cần phải chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (tài chính, nhân lực, chuyên gia) để triển khai.
Ông Đỗ Minh Hải khuyến cáo, các công ty khi tham gia cơ chế thử nghiệm phải có đầu tư sâu về công nghệ, hệ thống và thực hiện nghiêm những công nghệ, mô hình đã đầu tư, nhằm giảm thiểu chi phí vận hành, mang lại lợi ích cho người sử dụng. Ngoài ra, các công ty Fintech tham gia thử nghiệm phải được kiểm toán hệ thống, báo cáo đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước và cần được kiểm tra, giám sát mô hình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, Tiến sỹ Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa) cho biết, số lượng người có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam còn thấp, nhưng có nhiều tiềm năng cải thiện, do tỷ lệ người dùng internet và điện thoại di động cao.
Điều này sẽ tạo cơ hội cho phát triển Fintech. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cần có chương trình hành động thúc đẩy sử dụng thanh toán điện tử đối với các dịch vụ công, trường học, bệnh viện.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện Sở đang tìm hiểu về môi trường hoạt động và các khía cạnh pháp lý của Sandbox để tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Fintech nói riêng và các doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm ở các lĩnh vực khác. Thành phố đang hình thành Khu đô thị sáng tạo - đây là nơi thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận về một số mô hình cơ chế thử nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau; các quy định của pháp luật và chính sách thực hiện; kinh nghiệm về cơ chế thử nghiệm ở các nước trên thế giới…/.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-de-phat-trien-cong-nghe-tai-chinh/169365.html