TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ RIÊNG, ĐẶC THÙ NHẰM THÚC ĐẨY KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO
Tại hội thảo khoa học 'Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện' do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 28/6, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần xây dựng cơ sở pháp lý riêng, đặc thù làm cơ sở vững chắc thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ…
Những năm trở lại đây, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vì thế cũng tăng dần lên. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) cũng đã công bố trong báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” rằng Việt Nam hiện thuộc top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.
Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” là văn bản đầu tiên, cũng là nền tảng cho hệ thống chính sách đối với startup ở Việt Nam.
Tiếp đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng nhiều văn bản dưới luật đã thể hiện rõ chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Pháp luật hiện hành quy định khá đồng bộ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều văn bản dưới luật cụ thể hóa nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo nội dung của khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên theo TS. Phạm Phương Thảo – Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn còn một số điểm hạn chế như: chưa có quy định pháp luật dành riêng cho hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo chỉ là một trong những loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nhưng hiện nay các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lại được quy định chủ yếu xoay quanh loại hình doanh nghiệp này.
Ngoài ra, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nên thiếu tính hệ thống, khó theo dõi, khó nắm bắt đối với chủ thể được hỗ trợ. Trong khi đó, việc hướng dẫn các quy định pháp luật của các bộ, ngành và cơ quan liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn triển khai chậm, thiếu tính khả thi. Mặc dù một số chính sách được ban hành từ nhiều năm trước, nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc….
Từ những vấn đề nêu trên, TS. Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đảm bảo đồng bộ, dễ áp dụng.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Anh – Đại học Luật Hà Nội , Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2020 chưa có quy định hướng dẫn về thủ tục nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Trong khi đó, 70% lượng xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn nước ngoài.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhật, việc đẩy nhanh tốc độ, hiện thực hóa được triển vọng phát triển rực rõ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chịu ảnh hưởng từ nhà đầu tư nước ngoài. Với những kinh nghiệm về công nghệ, mô hình kinh doanh, với những tiềm lực về kin htees và tài sản trí tuệ, các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều thuận lợi và điều kiện để tạo sức bật mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mà họ tham gia đầu tư.
Vì vậy, TS. Nguyễn Ngọc Anh kiến nghị trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên cân nhắc việc bổ sung quy định về hỗ trợ thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đối với nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng và có nhiều lợi thế.
Bàn về nội dung này, Ths. Đậu Công Hiệp – Đại học Luật Hà Nội cho rằng, một số quy định về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và những tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo quy định tại các văn bản hiện nay còn chồng chéo. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ đối với hoạt động đăng ký, vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong thủ tục hành chính vẫn còn tồn đọng, chưa được giải quyết triệt để và tác động đáng kể đến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Ths. Đậu Công Hiệp – Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý riêng về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó: đưa ra những định nghĩa cụ thể cho các thuật ngữ “khởi nghiệp”, “doanh nghiệp khởi nghiệp”, “khởi nghiệp sáng tạo”; quy định chi tiết, thống nhất, các tiêu chí xác định và phân loại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời tổng hợp những giải pháp, chính sách đặc thù hỗ trợ (về thủ tục, vốn…) hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, tránh tình trạng thiếu nhất quán, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau.
Ngoài ra có ý kiến chuyên gia cũng đề xuất, cần phải bổ sung các chế tài xử phạt mang tính răn đe nghiêm khắc đối với hành vi nhũng nhiễu, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; …
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy... khởi nghiệp sáng tạo” nhằm “phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm”. Do đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được quan tâm ngày càng sâu rộng đặc biệt là trong việc tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ mô hình doanh nghiệp này. Trong đó, việc nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý riêng, đặc thù về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là nội dung cần được quan tâm trong bối cảnh hiện nay./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77585