Tạo hấp dẫn giờ học Lịch sử với học sinh dân tộc thiểu số
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ, các thầy cô giáo ở Yên Bái đã thực hiện giờ dạy học Lịch sử kết nối trực tiếp với Bảo tàng tỉnh, khiến tiết học sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.
Tiết học kết nối
Cô giáo Đặng Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, Tp Yên Bái cho biết: "Đổi mới, sáng tạo để từng giờ học thêm hấp dẫn là mong muốn của các nhà trường. Lịch sử là môn học dễ bị coi là khô cứng vì sự kiện và con số. Thế nên, chúng tôi đã cùng tổ chức một tiết học kết nối giữa một số trường trên địa bàn tỉnh và Bảo tàng tỉnh đẻ tăng tính hấp dẫn cho môn học này và hiệu quả đem lại rất cao. Chúng tôi rất mừng là các nhà trường và thầy cô giáo đều háo hức tham gia, đây là một hiệu ứng tốt trong việc dạy học Lịch sử".
Còn với thầy giáo Nguyễn Hiệu - Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Tạo, Mù Cang Chải: Tiết học Lịch sử bằng ứng dụng công nghệ, không chỉ mang đến một không gian học tập mới lạ, hấp dẫn, kết nối học sinh từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa mà còn góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, hướng đến giáo dục hội nhập công nghệ 4.0. Qua màn hình trực tuyến được trình chiếu tại các điểm cầu, xa nhất là các em học sinh từ huyện vùng cao Mù Cang Chải, được tận mắt nghe giảng, thấy được những di vật lịch sử.
Đặc biệt ấn tượng với cách làm này, thầy giáo Bùi Quốc Đông - Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn cho rằng: "Trong chương trình giáo dục địa phương có bài học về lịch sử của quê hương Yên Bái. Trường tôi 100% học sinh dân tộc H’Mông, cách xa trung tâm tỉnh, đưa các em đến thăm quan Bảo tàng tỉnh để có tiết học Lịch sử trải nghiệm thế này là điều không thể. Giờ học kết nối thế này là vô cùng ý nghĩa, nhất là với môn Lịch sử theo chương trình mới các em học sinh rất thích thú và tiếp thu bài học tốt".
Được biết để chuẩn bị cho giờ học Lịch sử trải nghiệm thực tế qua hình ảnh trực tuyến thế này, công tác chuẩn bị từ nội dung đến cách thức thực hiện được các nhà trường và bảo tang cùng trao đổi để hỗ trợ tốt nhất cho giờ học thành công. Cán bộ thuyết minh của Bảo tàng trong vai cô giáo hướng dẫn bám sát nội dung bài học cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử của vùng đất Yên Bái thời kỳ nguyên thủy, thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc, thời kỳ Bắc thuộc tới các em học sinh.
Tạo sức hấp dẫn
Cô Lê Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, cho biết thêm: Trình tự buổi học cũng giống như tiến hành trên lớp, nhưng tập trung vào việc hướng dẫn học sinh quan sát các hiện vật, tài liệu, tranh ảnh lịch sử tiêu biểu mà Bảo tàng trưng bày liên quan đến nội dung bài học. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh và những thông tin là những giáo cụ trực quan sinh động làm bớt đi sự khô cứng, đơn điệu của những bài giảng lịch sử.
Để tiết học kết nối đạt chất lượng cao, tạo sự hứng thú cho học sinh khi được trực tiếp nhìn thấy những hiện vật và có sự tương tác giữa cô và trò tại các điểm cầu thông qua các câu hỏi và phần trả lời. Các thầy cô đã nghiên cứu kỹ bài dạy và nội dung truyền tải đến học sinh, bố trí phòng học kết nối với hệ thống máy tính và máy chiếu, đường truyền Internet tốc độ cao để đảm bảo hiệu quả giờ dạy.
Tỏ ra hết sức thích thú khi tham gia một giờ học Lịch sử mà không có còn phải nghe thầy cô giảng về sự kiện, nhắc về con số lịch sử, ở điểm cầu xa nhất tỉnh là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, bạn Sùng Thị Thù vui vẻ cho biết: "Em và các bạn được xem và nghe giảng về dề dày lịch sử phát triển của đất nước thông qua những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, em thấy hay và dễ nhớ. Qua các hiện vật được giới thiệu ở đây chúng em cũng hiểu hơn về giá trị văn hóa của quê hương và dân tộc mình.
Mong có thêm nhiều giờ học Lịch sử trải nghiệm thế này, em Trần Hương Giang, học sinh lớp 6B, Trường THCS Quang Trung, Tp Yên Bái cho biết: "Năm nay chúng em học Lịch sử theo nội dung chương trình sách giáo khoa mới, nội dung bài học em thấy hay và hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu những giờ học trải nghiệm thế này sẽ giúp môn học hấp dẫn hơn nhiều. Qua buổi học, lời giảng của cô giáo cùng với thuyết minh giới thiệu của cán bộ Bảo tàng đã giúp chùng em nhớ tốt bài học".
Đưa học sinh đến với Bảo tàng tỉnh là cách làm hay được một số nhà trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái tổ chức. Bằng ứng dụng công nghê, giờ học tại Bảo tàng tỉnh được kết nối với 7 điểm cầu, với gần 1.000 em học sinh lớp 6 tham gia. Buổi học không chỉ giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức trong bài học thông qua những hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng mà còn là tăng cường chất lượng dạy môn học Lịch sử theo chương trình giáo dục mới hiệu quả, chất lượng hơn. – Nhà giáo Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái
Hà An