Họa sĩ Tuyết Tuyết tạo nên bộ lịch 'Chuyện xưa tích cũ' về triều Nguyễn với những bức tranh sinh động, giàu tính lịch sử, tạo hình phù hợp năm Canh Tý.
Tuyết Tuyết là tác giả truyện tranh cổ trang Cánh hoa trôi giữa hoàng triều. Truyện của cô được yêu thích bởi tạo hình đáng yêu, sinh động, phù hợp thẩm mỹ giới trẻ khi kể chuyện có bối cảnh lịch sử. Bộ lịch mừng năm mới 2020 của Tuyết Tuyết vẽ 12 tích về triều Nguyễn. Bức tranh này thể hiện tích "Gia Long đế và sự tích Lấp Vò". Tranh kể về đêm Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) bị quân Tây Sơn truy đuổi, dẫn quân về Lấp Vò, để lại nhiều dấu chân trên đất ẩm. Nguyễn Ánh khấn: "Nếu số mạng của quân ta chưa tận, xin hãy lấp dấu chân đi để kẻ địch không truy tìm". Dường như trời đất linh thiêng, đến sáng mưa to, mọi vết tích của đoàn quân đều mất.
Gia Long đế kể chuyện hậu phi. Trong một lần tâm sự với triều thần gốc Pháp là J.B. Chaigneau, vua Gia Long đã kể về những bà vợ mà ông gọi là "đám yêu phụ làm trẫm điếc tai nhức óc". Vua nói: "Còn ở chốn hậu cung, trẫm gặp phải một lũ quỷ sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó, tất cả chạy đến cầu xin trẫm phân xử.Nếu làm đúng, trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả. Trẫm không biết ai chịu nhường nhịn ai trong cơn giận dữ".
Tranh thể hiện tích "Minh Mạng đế cầu mưa". Có năm trong kinh kỳ ít mưa, nhà vua lo lắng, ra chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh rằng: "Hai ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ tự đâu đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là thâm cung cung nữ quá nhiều, âm khí uất tắc mà nên như vậy ư? Nay bớt đi, cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai từ đây”. Chẳng biết sau đó ông trời có mưa không, nhưng đây quả thực là cách cầu mưa có 1 không 2 trong lịch sử.
"Minh Mạng đế nhét vàng vào tay hiền phi". Vua Minh Mạng có nhiều phi tần, nhưng yêu thương bà Ngô Thị Chính hơn cả. Khi còn son trẻ, bà phi thường nũng nịu với vua: "Dù vua có thương thiếp bao nhiêu đi nữa thì đến khi chết, thiếp cũng chỉ ra đi hay tay không mà thôi". Khi bà mất, vua nhớ câu nói xưa liền đến chỗ bà nằm, truyền thái giám mở hai bàn tay bà ra, vua đặt hai nén vàng vào đó rồi nắm lại".
"Tự Đức đế dâng roi chịu phạt". Vua Tự Đức rất thích săn bắn. Một lần đi săn gặp lụt, vua không về được, trong khi đó hai ngày nữa là giỗ vua Thiệu Trị. Thái hậu Từ Dụ nóng ruột, sai đại thần đi rước. Về đến nơi đã nửa đêm, nhà vua vội vàng đến thẳng cung Gia Thọ lạy xin chịu tội. Bà Từ Dụ ngồi xoay lưng lại không nói gì. Vua Tự Đức bèn lấy roi mây dâng lên để trên ghế rồi nằm xuống xin chịu đòn. Lúc sau bà Từ Dụ quay lại, hất cái roi ra, dạy vua: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”.
"Minh Mạng đế và Cao Bá Quát". Khi vua đi kinh lý, dạo chơi hồ Tây, quan quân đi theo rợp trời tán lọng, gươm đao, dân chúng không ai dám tới gần. Nhưng có một người là Cao Bá Quát bơi lội bì bõm trên hồ làm hỏng cảnh đẹp của vua. Lính bắt người đó lôi lên bờ, người đó khai là học trò. Vua bèn ra vế đối, nếu "học trò" đối được thì tha: "Nước trong leo lẻo, cá đớp cá". Cao Bá Quát đối ngay: "Trời nắng chang chang, người trói người". Vua Minh Mạng dù giận nhưng vẫn tha cho Cao Bá Quát ra về.
"Hàm Nghi đế kính cẩn chào thầy". Năm 1888, vua Hàm Nghi 17 tuổi bị Pháp bắt sau 3 năm vào rừng làm kháng chiến. Quân Pháp tổ chức chào đón vua long trọng nhưng vua tỏ ra không hiểu, không nhận mình là Hàm Nghi. Quân Pháp dùng nhiều cách để thử vua nhưng không thành. Đến khi người Pháp đêm thầy của vua là Nguyễn Nhuận đến thì nhà vua vô tình đứng dậy vái chào. Thế là nhà vua bị Pháp nhận ra, bị đày đi Algéris.
"Thành Thái đế và cô lái đò". Một lần vua Thành Thái đi vi hành dịp Tết Nguyên đán, vua mặc áo thường dân thăm vùng Kim Long. Xế chiều lên đò quay về, gặp cô lái đò tuổi đôi mươi, má ửng hồng e thẹn bèn hỏi: "Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?". Cô lái đò không ngờ người thanh niên trước mặt là vua, nên cười đùa: "Ưng". Vua đứng dậy cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền rồi nói: "Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho!". Chèo về kinh thành, quân lính hai bên cúi đầu hành lễ, mọi người xung quanh mới biết đó là vua. Sau này, cô lái đò trở thành quý phi.
"Thành Thái đế cắt tóc". Vua Thành Thái có tinh thần duy tân, đã cắt tóc để làm gương cho các sĩ phu trong nước. Cắt tóc xong, vua dạo một lượt qua các bà phi hỏi có đẹp không. Bà nào cũng khen đầu vua đẹp, chỉ riêng bà tài nhân Dương Thị Ngọt không khen còn bảo: "Trong giống như kẻ cướp". Vua nổi giận bèn xử bà tội chết.
"Duy Tân đế đối đáp cha cố Pháp". 12 tuổi, vua Duy Tân được mời dự tiệc, trong tiệc, một vị cố đạo người Pháp thạo tiếng Việt, am hiểu chữ Hán ra vế đối với vua: "Rút ruột vương, tam phân thiên hạ". Câu đối này không chỉ khó ở ngôn ngữ mà còn liên quan đến chiết tự trong chữ Hán, ý cả câu là vua hãy cởi lòng, bỏ đi những trăn trở, mặc cảm việc phần chia địa lý (3 kỳ) để Pháp - Việt chung sống hòa bình. Vua Duy Tân đối lại: "Chặt đầu Tây, tứ hải giai huynh". Câu đối không chỉ đáp lại chiết tự, mà còn mang ý nghĩa: Nếu cắt bỏ phần đầu đi (ý nói chặt đầu Tây) thì bốn để đều là anh em, nước Nam sẽ không bị chia cắt. Vị người Pháp nghe khẩu khí, tài trí vị vua ít tuổi như thế bèn im lặng lui ra.
"Mối tình Hồ Thị Chỉ". Năm 1913, vua Duy Tân đi chơi mùa hè ở biển Cửa Tùng, Quảng Trị. Tháp tùng vua là Thượng thư Hồ Đắc Trung, đi cùng 4 con của ông. Cô bé Hồ Thị Chỉ 11 tuổi gặp vua bình dị, hòa đồng, vui vẻ mà vẫn toát ra thần thái nghiêm trang nên cảm mến, dõi theo từng hành động nhà vua. Khi chia tay, Hồ Thị Chỉ bật khóc, vua Duy Tân đã bảo em gái: "Dỗ chị em đi, rồi sang năm chúng ta gặp lại". Khi tới tuổi nạp phi, vua đã chọn Hồ Thị Chỉ, gửi lễ nạp tới nhà, chờ ngày lành tháng tốt tấn cung. Nhưng cuối năm 1915, vị vua đột ngột thoái hôn không một lý do rõ ràng khiến lòng Hồ Thị Chỉ tan nát. Tới khi vua Duy Tân bị Pháp bắt, mọi người mới biết vua từ hôn vì sợ do ông mà gia đình cô bị liên lụy.
"Khải Định đế thiết kế trang phục". Vua Khải Định tự thiết kế trang phục cho mình, thích trang điểm, chít khăn vàng, đội nón, đeo hạt xoàn. Khi vua mặc trang phục mình tự thiết kế sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa, Phan Chu Trinh đã viết Thất điều trần, trách vua 7 tội trong đó có tội "ăn mặc lố lăng". Trong đó viết: "Bệ hạ tự chế ra một thứ lễ phục kiểu mới, tự mặc ra để ra t. Kiểu ấy là trên áo cẩm bào cũ, thêu vào cái cầu vai kiểu Âu, còn cổ áo và tay áo thời đính vài ngọc lòe loẹt, Âu không ra Âu, Á không ra Á".