Tạo hứng thú cho trò trong môn Giáo dục địa phương
Theo thầy Phùng Chí Tân, một trong những cách để nâng cao chất lượng học tập nội dung Giáo dục địa phương là tạo hứng thú, đam mê khám phá cho trò.
Cải thiện chất lượng học tập
Là Tổ phó chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), thầy Phùng Chí Tân đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và được đánh giá cao. Thầy là một trong số các thầy cô được Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô vinh danh "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ 8, năm 2024" nhân dịp 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thầy Tân chia sẻ, là giáo viên Lịch sử, trong quá trình giảng dạy thầy luôn phải luôn đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách như: việc dạy học tích hợp Lịch sử và Địa lí, học sinh không có hứng thú trong học tập, vấn đề dạy học môn học mới Giáo dục địa phương...
Về mặt giải pháp, thầy Tân đã tổ chức trải nghiệm cho học sinh để học sinh tự làm những sản phẩm về nội dung giáo dục địa phương. Thầy cho học sinh tới các di sản văn hóa, địa danh ở địa phương, các em tự nghiên cứu, học tập. Sau một tuần nộp 1 video giới thiệu về di tích, di sản hoặc một danh nhân văn hóa ở địa phương.
Việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại và máy tính để dựng video học sinh rất thích làm. Các em sử dụng những phần mềm thầy cô dạy hoặc đã biết để thỏa sức sáng tạo. Mỗi học sinh được nhóm trưởng phân công những nhiệm vụ khác nhau như: chụp hình, phỏng vấn, ghi chép, nghe thuyết minh, làm clip... Học sinh phối hợp với nhau để bàn bạc, tranh luận hoàn thành nhiệm vụ chung.
Trong năm học 2023-2024, thầy Tân tổ chức cho học sinh lớp 8A1 trải nghiệm tại làng tranh Đỏ Kim Hoàng. Học sinh chủ động tìm hiểu thông qua việc kết nối với nghệ nhân Đào Đình Chung - người giữ gìn dòng tranh truyền thống của quê hương. Học sinh chủ động phỏng vấn, đọc các tài liệu tìm hiểu về lịch sử hình thành, tìm hiểu về nội dung, các bước làm ra một bức tranh dân gian của quê hương.
Áp dụng nhiều mô hình hay
Ngoài ra, thầy cũng đưa học sinh đến học tập tại Bảo tàng Dân tộc học để học sinh tìm hiểu và tiếp xúc trực tiếp với nguồn sử liệu, tự tạo cho mình các hình ảnh lịch sử, tự hình dung về lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Đây là một không gian học tập văn hóa đặc biệt của học sinh, là cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách.
Thầy giáo trẻ đã đa dạng hóa các sản phẩm học tập học của học sinh như thiết kế các mô hình, viết tập san, làm poster thông qua các hình thức như: CLB Em yêu Lịch sử, kể chuyện di sản, thi tìm hiểu về lịch sử với sân chơi Rung chuông vàng, thi kể chuyện về các danh nhân văn hóa của địa phương và dân tộc, giới thiệu sách về các di sản văn hóa, các trò chơi dân gian.
"Với từng nội dung, tôi đưa ra những yêu cầu sản phẩm khác nhau cho học sinh. Các sản phẩm của học sinh được tôi đăng lên trang fanpage của nhà trường để cùng chia sẻ và lan tỏa. Để giúp cho sản phẩm của học sinh đạt kết quả tốt nhất, tôi định hướng cho học sinh những nguồn tư liệu, hỗ trợ, giải thích cho các sinh những vấn đề học sinh chưa rõ, cho học sinh tham khảo một số mẫu sản phẩm", thầy Phùng Chí Tân nói.
Đặc biệt, thầy Tân đã tổ chức “lớp học kết nối” góp phần nâng cao kết quả học tập và hứng thú cho học sinh trong khi học tập Giáo dục địa phương. Các sản phẩm của học sinh làm xong thường chỉ trình bày trước trường, trước lớp. Qua lớp học kết nối sẽ tăng cường giao lưu, khả năng giao tiếp Tiếng Anh cho học sinh.
Từ đó cung cấp những thông tin lịch sử địa phương với người nước ngoài qua việc trình chiếu video clip, học sinh vừa trao đổi và trình bày. Đồng thời, giúp giáo dục tình yêu với những di sản văn hóa địa phương cho học sinh, giúp các em biết tự hào, trân trọng và thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa.
Cũng theo thầy Tân, để triển khai thành công những đổi mới đó ngoài sự nỗ lực của mỗi nhà giáo còn nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, tinh thần dám nghĩ dám làm của BGH nhà trường; sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương; cha mẹ học sinh luôn đồng hành, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ với thầy cô. Tất cả vì mục tiêu học sinh được phát triển toàn diện.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh cho hay, những giải pháp thầy Phùng Chí Tân thực hiện đã lan tỏa đến nhiều đồng nghiệp thể hiện sự tâm huyết và tinh thần sáng tạo vì học trò. Năm học 2023 – 2024, thầy Tân đạt Giải Nhất trong kỳ thi giáo viên giỏi môn Lịch sử - Địa lí cấp thành phố, Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam có thành tích xuất sắc trong phong trào dạy tốt - học tốt.
Bên cạnh đó, thầy Phùng Chí Tân cũng tham gia đóng góp ý kiến cho chương trình bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học, viết bài nâng cao chất lượng giáo dục Lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức. Thầy cũng đã tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm dạy học của mình trong Hội nghị giáo vụ đầu năm học của Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.