Tạo không gian mở, chuyên nghiệp hơn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Để thúc đẩy vai trò của những doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp, cần thiết phải tạo không gian mở rộng hơn nữa cho thế hệ trẻ, đặt niềm tin nhiều hơn cho giới trẻ, kèm với đó là sự chuyên nghiệp hơn…
Văn hóa kinh doanh theo hướng văn minh
Tại diễn đàn đa phương 2023 với chủ đề “Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ thay đổi” mới đây, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT & Người sáng lập, Công ty Cổ phần Sách Alpha nhận định, trong thế giới mở cửa, tri thức ùa vào, theo đó có những kiến thức mới, những phương pháp quản trị kinh doanh mới cũng ùa vào Việt Nam nhanh chóng.
Thêm vào đó là những thay đổi, tác động, sự khác biệt giữa Gen Z và thế hệ trước. Mọi người có thể nhìn thấy những doanh nhân trẻ bây giờ mặc áo phông, quần bò với phong cách cởi mở, thoải mái - điều khác nhiều so với vài chục năm trước.
Ngoài những hội thảo, hội nghị, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn tham gia các cuộc gặp gỡ trực tiếp. Ví dụ như cộng đồng BNI, những nhóm DN tương tác, ký hợp đồng với nhau. Từ những cuộc gặp gỡ, trao đổi, các DN có cơ hội học hỏi lẫn nhau và định hình ra được văn hóa kinh doanh của Việt Nam.
“Dù có bất cứ những cản trở nào trước đây thì thực sự văn hóa kinh doanh nhìn chung đã có những bước tiến rất mạnh mẽ và bản thân chúng tôi cũng hòa mình vào dòng chảy ấy và cảm thấy rằng tinh thần văn hóa kinh doanh của người Việt, đặc biệt là những người trẻ rất mạnh mẽ, tiến bộ, tích cực và đang văn minh lên rất nhiều”, ông Bình nhìn nhận.
Đẩy mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo
Nhấn mạnh yếu tố đổi mới, sáng tạo trong văn hóa doanh nghiệp thời kỳ mới, ông Il Gon Ryu - Phó Tổng giám đốc Samsung Electronics Vietnam Thai Nguyen cho biết, Samsung đề cao yếu tố đổi mới và sáng tạo. Bởi vì nếu không có đổi mới, sáng tạo thì DN không thể tồn tại, không thể trở thành DN số 1 toàn cầu. Đây là điều mà lãnh đạo Samsung luôn nhấn mạnh trong nội bộ DN mình.
“Ngay từ khi được thành lập, Samsung đã xác định giá trị cốt lõi của DN chính là nhân tài và nhân tài được coi là yếu tố quan trọng số 1. Nhưng gần đây, chúng tôi nhận ra rằng những người theo đuổi giá trị đổi mới và sáng tạo cần được trân trọng hơn nữa”, ông Il Gon Ryu nói.
Theo vị này, tất cả các DN đều hô to 2 ý là “đổi mới” và “sáng tạo” nhưng không phải cứ hô to điều này là tất cả đều thành DN số 1 toàn cầu. Điều quan trọng là giá trị cốt lõi phải phù hợp với bối cảnh thời đại. Nó phải tương ứng với vị thế của DN trong lĩnh vực kinh doanh của DN và phải hiểu giá trị cốt lõi của DN là gì.
Với việc theo đuổi giá trị đổi mới và sáng tạo, Samsung tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điện thoại di động - sản phẩm vốn có vòng đời rất ngắn.
Ngoài việc nỗ lực bền bỉ, chăm chỉ, đổi mới và sáng tạo thì yếu tố tốc độ cũng đóng vai trò rất quan trọng để đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị hiếu người tiêu dùng. Kết quả là Samsung có được vị trí số 1 về lượng điện thoại bán ra trên thị trường hiện nay.
Trong một thế giới mà khách hàng là trọng tâm thì DN sẽ phải tập trung mang lại những sản phẩm mới lạ hơn, với những trải nghiệm đặc biệt hơn dành cho khách hàng.
Vì vậy, DN cần tập trung vào các hoạt động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh yêu cầu tất cả các nhân viên phải sáng tạo. Các hoạt động đổi mới sáng tạo luôn được duy trì tại các nhà máy. Theo đó, có thể tổ chức các cuộc thi về thiết kế, ý tưởng để đẩy mạnh khả năng sáng tạo của nhân viên.
Bà Vưu Lệ Quyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) chia sẻ, là thế hệ lãnh đạo mới, bà nhận thấy cần phải thích ứng được với sự thay đổi hiện nay và tìm cách có thể trao được nhiều quyền hơn cho người trẻ để họ phát huy hết sức mình bởi bản thân họ cũng cảm nhận được những thay đổi và dám đề xuất với cấp trên để thay đổi.
Đối với Biti’s, hạnh phúc được coi là kim chỉ nam cho mọi giá trị. Bởi vì hạnh phúc với con người rất quan trọng. Tiền bạc, thành công và sự nghiệp chỉ là phương tiện để đạt được điều đó.
Cần tạo không gian mở hơn cho thế hệ trẻ
Theo Chủ tịch HĐQT Sách Alpha Nguyễn Cảnh Bình, giới trẻ thực sự là những người sáng tạo, năng động hơn thế hệ trước khá nhiều. Họ hướng đến những giá trị bình đẳng, phát triển bền vững hơn. Họ cũng dành thời gian, công sức, chi phí cho việc phát triển văn hóa DN nhiều hơn so với các thế hệ trước.
Do đó, để thúc đẩy vai trò của những DN, doanh nhân trẻ trong việc phát triển văn hóa DN, thứ nhất, cần tạo không gian mở rộng hơn nữa cho thế hệ trẻ, đặt niềm tin nhiều hơn cho giới trẻ, kèm với đó là sự chuyên nghiệp hơn.
Thực tế cho thấy, các bạn trẻ học hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức mới để hình thành nên các DN, tổ chức chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước đây. Họ tập trung mạnh vào những ngành nghề, lĩnh vực tương đối tiên phong để có thể mang lại những đổi mới, sáng tạo.
Thứ hai, nỗ lực đổi mới trong văn hóa chính trị, hoạt động của Nhà nước, chính quyền cần mang tính chất minh bạch, rõ ràng hơn. Không thể mong đợi thế hệ trẻ đóng góp nếu bản thân chính quyền không có sự thay đổi tương xứng, dù trong nhiều năm qua đã có sự thay đổi tương đối mạnh mẽ.
Thứ ba, cần nỗ lực khen ngợi và nêu bật những tấm gương tiên phong về đổi mới, sang tạo trong phát triển văn hóa DN để mọi người học hỏi theo, tạo ra những DN điển hình. Những trường hợp điển hình không chỉ gắn với văn hóa DN mà còn gắn với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, ông Bình bày tỏ mong muốn hình thành một cộng đồng học tập, với sự tham gia của các DN tập trung nhiều vào tri thức, đổi mới và sáng tạo. Qua đó các DN có thể học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề phát triển văn hóa DN.
Cùng góc nhìn, PGS,TS Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị - Kinh doanh, Trường Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội cho rằng, cần tạo môi trường có tính mở rộng hơn để DN, doanh nhân trẻ có thể sáng tạo, qua đó bổ sung thêm những giá trị văn hóa mới, có tính toàn cầu hơn vào những giá trị văn hóa truyền thống để tạo ra dòng chảy liên tục với sự kết hợp cả hai.
Không nên đặt nặng vấn đề cứ phải đào tạo theo kiểu trường lớp hay những chuẩn mực áp đặt cho họ. Thay vào đó, cần khuyến khích để họ cùng trao đổi và thảo luận và họ sẽ chiêm nghiệm qua thực tế hoạt động kinh doanh và quản trị của mình.
Việc đào tạo thế hệ trẻ tốt nhất là phải thông qua thực tế, hiệu quả để các thế hệ lãnh đạo tiếp theo có thể hướng tới việc họ có thể học tập từ thế hệ trước.