Tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Sáng 15.4, tại Thanh Hóa, Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021' đã làm việc với UBND Thành phố Thanh Hóa.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có: Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên; các thành viên Đoàn giám sát; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân và các sở, ngành địa phương.
Báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, sau sắp xếp, TP. Thanh Hóa đã giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã, còn lại 34 xã, phường; giảm 18 cơ quan Đảng, đoàn thể cấp xã. Hiện tại, so với 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, TP. Thanh Hóa còn 3 phường, 4 xã chưa đạt 100%.
Về sắp xếp các cơ quan thuộc bộ máy của chính quyền địa phương, đại biểu HĐND của các phường, xã trước khi sắp xếp hợp thành HĐND của phường, xã mới sau sắp xếp và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2016 – 2021. HĐND của phường, xã mới sau sắp xếp tổ chức bầu Thường trực HĐND, các Ban của HĐND… và UBND của phường, xã mới cũng do HĐND bầu ra theo quy định. Đối với tổ chức đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế, thành phố giữ nguyên hiện trạng để không ảnh hưởng đến việc học của học sinh cũng như yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
TP. Thanh Hóa cũng đã chủ động, tích cực hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị sau sắp xếp, hiện còn dôi dư 19 cán bộ, công chức và 53 người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.
Đối với việc xử lý tài sản công, giai đoạn 2019 – 2021 sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, TP. Thanh Hóa dư ra 39 công trình (35 nhà văn hóa xã, 3 công sở cấp xã và 1 trường mầm non). Hiện UBND thành phố đang phối hợp với Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa triển khai các bước tiếp theo để quản lý, xử lý theo quy định.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP. Thanh Hóa đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của toàn thể nhân dân, nhất là nhân dân thuộc địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp sau sắp xếp. Việc tích cực cụ thể hóa các quy định, văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp thành phố triển khai nhanh chóng, kịp thời, đến nay, các đơn vị hành chính sau sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định, phát triển.
Quan tâm đến việc xử lý cán bộ, công chức dôi dư, một số ý kiến đề nghị thành phố làm rõ phương án giải quyết đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau xắp sếp; phương án xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp...
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP. Thanh Hóa về cơ bản là thuận lợi do số lượng sắp xếp không nhiều, các vấn đề hậu sắp xếp cũng được giải quyết bài bản, hiệu quả. Ông Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý thành phố cần tiếp tục quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp, thực hiện tốt chính sách với các đối tượng này. Đối với xử lý tài sản công dôi dư sau sắp xếp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, phải thực hiện đúng quy định, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả sử dụng, nếu có vướng mắc, khó khăn thì cần kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền, không nên "khóa cửa để đấy", gây ra lãng phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị TP. Thanh Hóa cần đúc rút các bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện vừa qua, dự báo tình hình nhằm tạo thuận lợi cho việc sắp xếp đơn vị hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tạo không gian mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại TP. Thanh Hóa.