Tạo không gian tài khóa, thúc đẩy tăng trưởng
Triển vọng tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Trong đó, việc tạo không gian tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng được các chuyên gia kinh tế nhắc đến. Đây là gợi ý hay cho Việt Nam trong hoạch định chính sách thời gian tới.
Thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo an toàn nợ công, bội chi
Chính sách tài khóa nên là trọng tâm trong thời gian tới
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chủ động, sáng tạo hơn nữa trong điều hành chính sách tài khóa
LONGFORM: Kiên định chính sách tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng
Phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ
Theo nghiên cứu của giới chuyên gia, cùng với các gói hỗ trợ khổng lồ và tiến trình bao phủ vắc-xin, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu tương đối khả quan dù còn bất định và không đồng đều giữa các quốc gia, khu vực. Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế của một số tổ chức quốc tế như WB, IMF, OECD, ADB…, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng từ 5,7 - 5,9% năm 2021 và tăng 4,2 - 4,9% năm 2022.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát, gánh nặng nợ ngày càng tăng đang thách thức dư địa mở rộng tài khóa và tiền tệ (lạm phát toàn cầu dự kiến khoảng 3,2% năm 2021 và 3,3% năm 2022 và trở về mức 2,5% giai đoạn 2023 - 2025, so với mức 2% năm 2020; nợ công/GDP toàn cầu ở mức 98% GDP năm 2021, tăng 14 điểm % so với năm 2019 và dự báo duy trì ở mức 97% GDP trong giai đoạn 2022 - 2025).
Tạo không gian tài khóa, thúc đẩy tăng trưởng là gợi ý chính sách thời gian tới. Ảnh: TL.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, một số bài học kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ tài khóa trên thế giới, đó là: cơ cấu các gói hỗ trợ khác Việt Nam (các gói hỗ trợ tài khóa lớn hơn nhiều so với các gói hỗ trợ tiền tệ - ngoài việc giảm lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương; và tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; ít tập trung vào giãn hoãn thuế, nghĩa vụ trả nợ); có kế hoạch phục hồi kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bao trùm, đổi mới sáng tạo; chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh, sau đó giảm dần khi nền kinh tế phục hồi bền vững hơn…
Với thực tiễn Việt Nam thì nên triển khai các giải pháp như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng là vấn đề được các chuyên gia kinh tế bàn thảo tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021.
Ông Hà Huy Tuấn - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chúng ta phải chấp nhận khái niệm “bình thường mới”, đó là tình trạng hình thành sau một cuộc khủng hoảng, khác với trạng thái trước đó.
Ông Hà Huy Tuấn đưa ra khái niệm “chính sách tài chính tích cực” do Trung Quốc khởi xướng và thực hiện từ hơn 20 năm qua, tăng chi nhưng không giảm thu. “Đối với Việt Nam, trong 20 năm, đã thực hiện khi thì tăng chi trong đầu tư và khi thì tăng chi trong lĩnh vực xã hội. Tôi cho rằng, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để chúng ta có thêm niềm tin trên con đường đang đi” - ông Hà Huy Tuấn nói.
Đánh giá những nỗ lực trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, ngành Tài chính đã triển khai kịp thời phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Việc kết hợp giữa hỗ trợ tài khóa và chính sách tiền tệ bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, kịp thời ổn định đời sống, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
“Theo số liệu của IMF và tổng hợp của Viện Đầu tư và nghiên cứu BIDV, tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đạt khoảng 231 nghìn tỷ đồng (gần 3% GDP năm 2020 đã điều chỉnh). Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và sự đồng lòng, tinh thần chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng; vừa đảm bảo sức khỏe người dân vừa tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế” - ông Cấn Văn Lực nhận định.
Việc nhìn lại thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ thời gian qua chính là cách để tìm ra hướng đi cho giai đoạn tiếp theo.
Thúc đẩy tăng trưởng, chấp nhận tăng bội chi và nợ công?
Vấn đề nên hay không tăng bội chi trong giai đoạn tới được nhiều ý kiến của giới chuyên gia. Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021, đây cũng là điều được các chuyên gia kinh tế quan tâm bàn thảo.
Bà Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trong điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, cần mạnh dạn bội chi ngân sách. “Căn cứ để thực hiện điều đó, là trên thực tế, lạm phát của chúng ta hiện thấp, trần nợ công an toàn và bội chi cũng ở ngưỡng an toàn. Trong bối cảnh đó, tăng chi cho đầu tư phát triển là đúng hướng” - bà Mùi nhận định.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mùi, điều chỉnh tăng bội chi cần phải chú ý khối lượng tiền lưu thông nhiều lên thì phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ. Tăng bội chi ngân sách, cái đáng quan tâm đó là năng lực trả nợ của nền kinh tế.
Theo ông Hà Huy Tuấn, quan điểm chính sách tài khóa tích cực đó là phải biến thách thức thành cơ hội; chấp nhận tiếp nhận làm quen với trạng thái bình thường mới; thực hiện linh hoạt, không nuối tiếc cách làm truyền thống; coi chính sách tài khóa là chính sách quyết định, quan trọng.
Đưa ra một mục tiêu phải đạt được, vị chuyên gia này cho rằng, kinh tế phải tăng trưởng; phải đạt mục tiêu tăng trưởng xanh; thu hẹp khoảng cách thu nhập. Giải pháp tài chính đưa ra đó là: cơ cấu lại ngân sách, cơ cấu lại thu ngân sách (tập trung vào bất động sản, đất đai, kinh tế số, chứng khoán); cơ cấu lại chi ngân sách (chi cho chống dịch, đầu tư công…).
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, thời gian qua, đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp đang yếu ốm, việc giãn, giảm thuế phí, hỗ trợ lãi suất… là các giải pháp giúp doanh nghiệp khỏe hơn, từ đó có nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách triển khai vẫn còn bất cập, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cần khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Có ý kiến cho rằng, nhằm tăng cường hiệu quả của các chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn, cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát.
Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc./.