Tạo 'lá chắn' bảo đảm an ninh, trật tự
Sâu sát, gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để triển khai các giải pháp hiệu quả về tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) đã giúp lực lượng Công an trở thành nòng cốt, tạo “lá chắn” vững chắc giúp đồng bào các dân tộc xây dựng cuộc sống ấm no.
Đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhất là thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc, Công an tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an.
Nhiệm vụ đầu tiên được lực lượng Công an triển khai đó là quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ (CBCS), đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xóa bỏ hủ tục; đặc biệt, phát động phong trào thi đua “CBCS Công an tỉnh Hà Giang gương mẫu thực hiện và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bài trừ, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”. Tăng cường bảo đảm an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh trong dân tộc, tôn giáo, bảo vệ an ninh, an toàn các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống; tập trung đấu tranh quyết liệt với các hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan, tà đạo, đạo lạ hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm ANTT tại địa bàn.
Mèo Vạc là địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống và có không ít hủ tục ăn sâu trong đời sống người dân. Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết: Bên cạnh việc tham gia tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an huyện tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kiềm chế nguy cơ phát sinh thành tội phạm và vi phạm pháp luật. Tập trung điều tra làm rõ các vụ án, vụ việc có nguyên nhân phát sinh từ các hủ tục, tập quán lạc hậu; các vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật xuất phát từ hủ tục “bắt vợ”; qua đó tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa tội phạm, góp phần quan trọng xóa bỏ hủ tục trong đời sống nhân dân.
Để có thể tạo “lá chắn” đẩy lùi hủ tục, lực lượng Công an phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương phát huy vai trò cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo. Chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; quyết định phê duyệt danh sách người có uy tín, cốt cán trong dân tộc, tôn giáo. Lực lượng Công an mỗi năm tổ chức gặp gỡ, vận động gần 2.000 lượt người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo để họ tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Ly Chứ Sùng, xã Lũng Cú (Đồng Văn) lâu nay có tiếng nói trong cộng đồng và được người dân quý mến. Ông Sùng chia sẻ: “Từ khi được lực lượng Công an tuyên truyền và bản thân xác định được những hủ tục cần xóa bỏ nên tôi đã vận động gia đình, người thân trong dòng họ và mọi người ở thôn, xã đồng lòng bỏ đi những thủ tục rườm rà trong đám cưới, đám tang; tích cực tham gia phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Quyết tâm không để ai đứng ngoài cuộc trong việc xóa bỏ hủ tục, lực lượng Công an thường xuyên phối hợp vận động các cá nhân là hội viên Hội nghệ nhân dân gian tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cổ truyền, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc như: Lễ cúng rừng của dân tộc Pu Péo, Cờ Lao; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn… Đồng thời, vận động người dân thực hiện theo nếp sống mới, giúp một số địa bàn như xã Chí Cà (Xín Mần), xã Tiên Nguyên (Quang Bình), xã Sủng Trà (Mèo Vạc), xã Sà Phìn (Đồng Văn) có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hàng năm giảm trên 50%.
Ngoài ra, trong việc cưới, việc tang vận động được một số dòng họ người dân tộc Mông, như: Dòng họ Hầu ở thôn Sảng Pả A, họ Vàng ở thôn Tráng Phủng A, họ Lầu ở thôn Tráng Phủng B, xã Phố Cáo; họ Giàng ở thôn Phố Trồ, thị trấn Phố Bảng; họ Hầu, họ Vàng ở xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) thực hiện đưa người chết vào áo quan, không làm tang ma lâu ngày, không giết mổ nhiều trâu, bò; thực hành tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, lực lượng Công an phối hợp với cấp ủy chính quyền các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Mèo Vạc xây dựng được 7 mô hình và 1 câu lạc bộ kết hợp giữa bảo đảm ANTT với xóa bỏ hủ tục.
Không để các hủ tục khiến người dân bị đói nghèo, lực lượng Công an tiếp tục củng cố “lá chắn” để giúp nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no bằng việc xác định xóa bỏ hủ tục là nhiệm vụ công tác trọng tâm. Phối hợp rà soát, nhân rộng cách làm, mô hình hay của các địa phương đi đôi với phát động phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân để tạo sức mạnh tổng hợp. Tập trung các giải pháp nhằm thay đổi tư tưởng, nhận thức của quần chúng nhân dân và xác định đây là yêu cầu có tính chất chiến lược, lâu dài, quyết liệt, đi đôi với kiên trì vận động, giáo dục, thuyết phục, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc và chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; không chủ quan, nóng vội làm nảy sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Bằng việc tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, nhất là Công an xã trong việc tham mưu, xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình các gia đình, dòng họ, khu dân cư, xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc xóa bỏ hủ tục; chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật có nguyên nhân xuất phát từ các hủ tục cũng như các hành vi lợi dụng việc thực hiện chủ trương của tỉnh về xóa bỏ hủ tục để xâm hại đến ANTT trên địa bàn... tin rằng ấm no sẽ luôn ở lại với đồng bào các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.