Tạo 'lá phổi xanh' trong các khu công nghiệp
Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc 'Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025', trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn ưu tiên đầu tư trồng cây xanh trong các khu công nghiệp.
Đến KCN Yên Bình (TP. Phổ Yên), chúng tôi thích thú với cảnh quan nơi đây. Trên trục đường và khu điều hành của các nhà máy rợp bóng mát cây xanh. Ngoài ra, những khu đất trong nhà máy cũng được bố trí thích hợp để tạo tiểu cảnh, trồng hoa, thảm cỏ, có nhân viên vệ sinh môi trường cắt tỉa cây xanh, cây cảnh thường xuyên.
Theo anh Phạm Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường - Ban Quản lý các KCN tỉnh: KCN Yên Bình được coi là KCN "xanh hóa" kiểu mẫu với mật độ cây xanh hiện nay trên 46 nghìn cây. Đây cũng là KCN có nhiều cây xanh nhất trong các KCN khác trên địa bàn tỉnh.
Theo chủ đầu tư hạ tầng KCN Yên Bình, từ khi triển khai xây dựng, đơn vị đã xác định bảo vệ môi trường, trong đó có phát triển cây xanh là tiêu chí hàng đầu để phát triển bền vững, tạo không gian xanh, sạch, an toàn, góp phần thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Bởi vậy, việc trồng cây xanh hằng năm được đơn vị chú trọng triển khai và vận động các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Để bảo vệ và giữ ổn định mật độ cây xanh cũng như trồng thêm diện tích, đơn vị thường xuyên cử nhân viên chăm sóc, cắt tỉa và trồng bổ sung cây xanh định kỳ hằng tháng. Đồng thời tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong KCN trồng cỏ và cây xanh xung quanh khuôn viên nhà máy.
Điển hình trong chương trình trồng cây “SEVT- Vì một Việt Nam xanh” năm 2022 đã có hàng trăm tình nguyện viên là nhân viên của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tham gia trồng trên 3.000 cây hồng tại khu vườn hoa, đường gom KCN Yên Bình.
Hay như ngày 20-2 vừa qua, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024, tại khuôn viên Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình của Quỹ đầu tư Gaw NP Capital, nhiều nhà đầu tư trong KCN Yên bình đã tham gia trồng cây.
Nói về việc tạo “lá phổi xanh” trong các KCN, ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp và lợi ích của việc trồng cây, Đảng ủy Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ban hành riêng Nghị quyết số 211-NQ/ĐU về “Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023-2025”. Đối với phát triển cây xanh, ngoài việc đưa vào quy hoạch, thiết kế với mỗi KCN phải dành tối thiểu 10% diện tích khu cho hệ thống cây xanh. Theo đó, đơn vị định hướng, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc, công đoàn các KCN phối hợp với đoàn thanh niên, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Đơn cử, trong Lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024 đã có hàng nghìn đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức và người lao động tham gia trồng 6.000 cây xanh tại các KCN. Trong đó, KCN Điềm Thụy (khu A) trồng 1.000 cây xanh, KCN Sông Công II trồng 1.000 cây xanh.
Ngoài ra, các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đăng ký trồng 4.000 cây thân gỗ lấy bóng mát trong thời gian từ nay đến hết tháng 6 năm nay.
Ngoài phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, hằng năm, thông qua hưởng ứng chương trình hành động về môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh đều lồng ghép, phát động đến các chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong các KCN tham gia trồng mới và chăm sóc cây xanh. Qua đó giúp mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động trong KCN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.
Theo số liệu tổng hợp từ các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, tính đến tháng 7-2023, tổng số cây xanh được trồng, chăm sóc và bảo vệ là trên 56.000 cây các loại như: phượng, bằng lăng, sấu, lát, xoài, keo...
Ông Lê Kim Phúc khẳng định: Cây xanh được xem như "lá phổi" của trái đất, có nhiều tác dụng cải thiện khí hậu, đặc biệt là ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu, phân tán nguồn nhiệt, hạn chế tiếng ồn, cản gió, bụi, nhất là tại các KCN. Do đó, với một tỉnh phát triển có nhiều ngành công nghiệp như Thái Nguyên thì việc tạo nên những “lá phổi xanh” trong KCN là rất cần thiết.
Hằng năm, Ban Quản lý các KCN tỉnh đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn và người lao động tích cực trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Trung bình mỗi năm, số lượng cây xanh được trồng trong các KCN đạt từ 3.000 cây trở lên.
Ban Quản lý các KCN tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, số lượng cây xanh trong các KCN đạt khoảng 60.000 cây; 100% các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh trồng cây xanh đạt tối thiểu 20% diện tích của nhà máy.