Tạo lập hệ thống kế toán, kiểm toán tương đối hoàn chỉnh
Ngày 29/12/2023, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tổ chức hội nghị 'Tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch, chương trình công tác năm 2024'. Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán Vũ Đức Chính chủ trì hội nghị.
Trọng tâm là hoàn thiện khung khổ pháp luật về kế toán, kiểm toán
Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (QLKT) cho biết, năm 2023 là năm thứ 2 thực hiện Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030, theo đó các nhiệm vụ trọng tâm được xác định là hoàn thiện khung khổ pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Cho đến nay, Cục QLKT đã hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác năm 2023 theo đúng tiến độ đề ra, nhất là đã thực hiện được một số công việc của Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030; đã tạo lập được hệ thống kế toán, kiểm toán tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ đáp ứng được cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và phù hợp với chế quản lý của Chính phủ.
Cục QLKT đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kế toán, kiểm toán, đặc biệt là chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, dần đưa các quy định, thông lệ quốc tế vào áp dụng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán từng bước được nâng cao; công tác quản lý hoạt động kế toán, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán được tăng cường với các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Trong đó các hoạt động quan trọng nhất là đánh giá thực trạng, đề xuất chính sách sửa đổi, hoàn thiện Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn luật; triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam và Đề án công bố chuẩn mực kế toán công của Việt Nam; xây dựng các thông tư hướng dẫn kế toán, kiểm toán nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đầy đủ theo mục tiêu các chiến lược.
Đến ngày 31/11/2023, tổng số kế toán viên đăng ký hành nghề là 433 người; tổng số doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán là 153 doanh nghiệp; tổng số kiểm toán viên đăng ký hành nghề là 2.311 người; tổng số doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán là 221 doanh nghiệp.
Bên cạnh việc xây dựng thể chế chính sách, tiếp tục quan tâm và thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật kế toán, kiểm toán độc lập; thực hiện các hoạt động quản lý nghề nghiệp, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định và phát triển thị trường tài chính nói chung.
Cục QLKT đã có những nỗ lực trong việc phối, kết hợp với các doanh nghiệp và hội nghề nghiệp để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán; có các biện pháp tăng cường kỷ luật, trách nhiệm, nâng cao tính tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên góp phần ổn định và phát triên kinh tế - xã hội, bà Nhung đánh giá.
Tuy nhiên theo bà Nhung, bên cạnh đó còn có một số khó khăn như: Lĩnh vực kế toán, kiểm toán có phạm vi rộng, với hoạt động của các đơn vị từ trung ương đến địa phương. Số lượng đơn vị kế toán lớn. Các hoạt động đa dạng phụ thuộc vào tổ chức bộ máy, hoạt động của từng loại hình đơn vị. Các nội dung nghiệp vụ luôn cần được đổi mới, bám sát để phù hợp với cơ chế chính sách, pháp luật của Việt Nam, đồng thời cần phù hợp với thông lệ quốc tế. Quá trình hội nhập với sự phát triển phong phú, luật, các hướng dẫn cụ thể luật cần thích ứng, phù hợp và cải tiến thường xuyên.
Chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ
Về kế hoạch, chương trình công tác năm 2024, bà Lê Thị Tuyết Nhung cho biết, để hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024 với khối lượng công việc lớn và yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và tiến độ, Cục QLKT sẽ tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030 (giai đoạn đến năm 2025) với một số nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán; triển khai nghiên cứu các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán để kịp thời ban hành ngay khi Luật Kế toán có hiệu lực; thực hiện các đề án về chuẩn mực kế toán...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024, Cục trưởng Vũ Đức Chính đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước,...; nắm bắt kịp thời tư tưởng chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài chính để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Tập thể lãnh đạo cục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm và theo thứ tự ưu tiên, báo cáo Bộ Tài chính những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình thực hiện công vụ, để kịp thời khắc phụcăng cường, thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán, kiểm toán; nắm bắt sâu sát, kịp thời tình hình thực tế, giải đáp vướng mắc của các đơn vị...
Hội nghị dành nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các phòng thuộc Cục QLKT và đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nghiệp vụ chuyên môn liên quan tới lĩnh vực kế toán, kiểm toán, cũng như công tác phối hợp giữa các đơn vị.