Tạo lập môi trường mạng trong sạch

Đề xuất quy định định danh tài khoản mạng xã hội đang được dư luận ủng hộ trước yêu cầu cấp bách xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, ứng xử phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục nhận được phản ánh, cầu cứu của hàng nghìn nạn nhân của các đối tượng liên tục tấn công trên mạng xã hội để đòi nợ, mặc dù họ không hề vay mượn ai. Ngoài gọi điện, nhắn tin khủng bố liên tục, các “chủ nợ” vô cớ này còn vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự gia đình, bạn bè nạn nhân...

Bên cạnh đó, những hành xử kém văn minh xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng. Không ít cá nhân sử dụng tài khoản ảo để livestream các nội dung xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác. Nhiều vụ việc cũng từ mạng xã hội mà phổ biến, lan truyền theo hướng tiêu cực, tác động rất xấu đến xã hội...

Rõ ràng, những hệ lụy từ việc ẩn danh trên mạng xã hội nguy hiểm hơn nhiều so với sự hình dung của nhiều người. Bởi, việc ẩn danh trên mạng xã hội không chỉ là tạo ra cơ hội cho những kẻ lừa đảo tung tin giả, thao túng đám đông, vu khống, bôi nhọ, xâm phạm lợi ích của quốc gia, tổ chức, hay công dân, mà còn hình thành những hành vi, thói quen kém văn minh, thiếu trách nhiệm và vô cảm của một số người sử dụng mạng xã hội.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có gần 80 triệu người dùng Internet, trong số đó, trên 70 triệu người có tài khoản mạng xã hội. Các ứng dụng điển hình như Facebook có 66,2 triệu người dùng, Youtube: 63 triệu người dùng, TikTok: 50 triệu người dùng.

Ngoài những tiện ích to lớn, mạng xã hội đang là mảnh đất màu mỡ của tin giả, thông tin xấu độc và có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, tình trạng lừa đảo trực tuyến thông qua các tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản rác ngày càng gia tăng trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

Do vậy, định danh tài khoản mạng xã hội thông qua tên thật, số điện thoại thật là việc cần thiết, thậm chí là cấp bách trong bối cảnh xã hội hiện nay vì một môi trường lành mạnh, văn minh. Theo đề xuất, chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội phải cung cấp thông tin của bản thân, như: tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân nhằm chứng minh danh tính của mình. Các tài khoản xuyên biên giới cũng phải chấp hành pháp luật Việt Nam.

Chuyên gia an ninh mạng khẳng định, khi việc ẩn danh trên mạng xã hội không còn được coi là hiển nhiên nữa, thì việc lợi dụng sự ẩn danh để tung tin giả, lừa đảo, vu khống, xúc phạm người khác... không còn dễ dàng lẩn trốn để thực hiện. Bởi, hành vi vi phạm có thể được truy vết, giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm của người dùng, đồng thời giảm bớt việc lừa đảo trên không gian mạng.

Dư luận kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, điều chỉnh các nghị định của pháp luật liên quan đến quản lý thông tin trên mạng xã hội theo hướng là tất cả các tài khoản trên mạng xã hội đều phải định danh. Tuy nhiên, việc triển khai định danh là thách thức không hề nhỏ khi các trang mạng xã hội là các nền tảng xuyên biên giới. Đơn cử như Facebook là ứng dụng toàn cầu có hàng tỷ người đang sử dụng, chịu sự chi phối của điều khoản sử dụng, các tiêu chuẩn cộng đồng mà họ đang áp dụng cho toàn cầu. Yêu cầu nền tảng này phải sửa các điều khoản không hề dễ dàng.

Thiết nghĩ, định danh tài khoản mạng xã hội là một hành trình nhiều khó khăn và thách thức nhưng cần quyết tâm thực hiện để tạo một hệ sinh thái văn minh, lành mạnh, tôn trọng và chấp hành pháp luật. Việc sớm có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng để áp dụng quy định bắt buộc định danh người sử dụng mạng xã hội cần được tiến hành khẩn trương hơn, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và hành xử thiếu chuẩn mực, kém văn minh trên mạng xã hội

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-lap-moi-truong-mang-trong-sach-post480173.html