Tạo lợi thế cạnh tranh
Sau Tết nguyên đán 2020, tình trạng lao động nhảy việc diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là những nơi tập trung nhiều KCX-KCN như Bình Dương, TP HCM và Đồng Nai...
Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên người lao động (NLĐ) không toàn tâm, toàn ý với công việc.
Để ổn định cuộc sống NLĐ, hằng năm, Chính phủ đều điều chỉnh lương tối thiểu (LTT). Thế nhưng, cứ sau một đợt nâng lương là chi phí sinh hoạt của NLĐ cũng tăng theo do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, chưa kể chi phí thuê phòng trọ, điện, nước tăng. Thu nhập thực tế không đủ bảo đảm cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống khiến NLĐ muốn nhảy việc để tìm kiếm việc làm mới với chế độ đãi ngộ tốt hơn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Đình Hoàng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Khải Hùng (quận 6, TP HCM), chia sẻ: "Khi LTT ở các doanh nghiệp (DN) không có sự khác biệt nhiều thì chính sách đãi ngộ sẽ là yếu tố quyết định đến việc thu hút lao động. Do vậy, để NLĐ gắn bó lâu dài với nơi làm việc, DN phải xây dựng chính sách lương bổng một cách căn cơ".
Nhiều chuyên gia quản lý lao động cũng có suy nghĩ như ông Hoàng. Theo quy luật "nước chảy chỗ trũng", nơi nào có công việc ổn định, chế độ lương thưởng tốt hơn thì NLĐ sẽ tự tìm đến. Trong bối cảnh hội nhập, đối tác hợp tác của DN tìm hiểu rất kỹ tình trạng việc làm, đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho NLĐ trước khi đàm phán ký kết hợp đồng. Chỉ cần nghe NLĐ phàn nàn về điều kiện làm việc, nhất là tiền lương thì quá trình đàm phán sẽ được hoãn lại. Nhiều DN cũng sớm nhận ra vấn đề này nên đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo, đãi ngộ cho NLĐ, xem đó là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề. Do vậy, trước Tết, không chỉ điều chỉnh LTT vùng cao hơn quy định, nhiều DN còn chủ động ngồi lại với Công đoàn (CĐ) để thảo luận việc hoàn thiện chính sách chăm lo cho NLĐ. Nội dung thảo luận mà DN và CĐ cơ sở hướng đến là làm sao nâng cao phúc lợi cho NLĐ, giúp họ an tâm làm việc. Chính suy nghĩ và hành động tích cực này đã giúp các DN không chỉ ổn định tình hình quan hệ lao động mà còn có thể giữ chân lao động giỏi nhằm phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh sau Tết.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi chính sách đãi ngộ NLĐ trở thành một lợi thế cạnh tranh thì các DN không phải lo lắng nhiều về tình trạng biến động lao động. "Để ổn định nguồn nhân lực, DN phải biết lắng nghe và trao đổi thẳng thắn với CĐ cơ sở nhằm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, đặc biệt là thu nhập của NLĐ. DN cũng nên chủ động thông tin khó khăn của đơn vị để NLĐ hiểu và chia sẻ, có như vậy mới tạo sự gắn kết trách nhiệm giữa 2 phía" - ông Quảng lưu ý.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tao-loi-the-canh-tranh-20200212202732644.htm