Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...

Chứng khoán ngày 13/11, thị trường tiếp đà “lao dốc” từ phiên trước đó. Nhóm cổ phiếu blue-chips, đặc biệt là nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng rơi vào cảnh bán tháo ồ ạt, VN-Index bị “bẻ gãy” đáy tháng 9/2024 ở mức quanh 1240 điểm, mất 8,49 điểm tương đương -0,68% và chốt ở mức thấp nhất phiên 1.236 điểm.

May mắn là sau đợt bán tháo, bước vào phiên chiều thị trường dần hồi phục. Nhiều cổ phiếu lớn trên bảng điện tử lấy lại sắc xanh. VN-Index quay lại mốc 1.246,04 điểm tăng nhẹ 1,22 điểm (+0,10%) kết phiên. Tuy nhiên, hai sàn còn lại không kịp về tham chiếu lần lượt mất điểm: HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,21%), dừng tại 226,21 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,05%), tại 92,35 điểm.

Cổ phiếu VCB cố gắng “gồng” chỉ số tăng 0,65% dẫn đầu top 10 ảnh hưởng tích cực nhất góp 0,8 điểm cho chỉ số. Theo sau là VPB, HVN, MWG, FPT. Chiều ngược lại, HPG, GVR, BID, CTG, GAS,… đè nặng chỉ số.

Khối VN30 nỗ lực lấy lại 15 mã tăng giá cùng 4 mã tham chiếu. Cổ phiếu VHM phiên sáng cầm cự sắc xanh đến kết phiên giữ giá tại tham chiếu. Cổ phiếu HPG vẫn bị bán mạnh nhất toàn phiên -1,64% còn 27.050/CP.

Dù thị trường thoát hiểm thành công, song phe bán vẫn chiếm ưu thế với 203 mã giảm, trên 153 mã tăng giá. Thanh khoản trên thị trường tiếp tục ở mức thấp, khi tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 16.950 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, dòng tiền thu về hơn 15.300 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi phục nhẹ đa số không tăng vượt quá mức 1%, trừ VPB +1,31%, còn lại đều dưới 1% có VCB +0,65%, TCB +0,43%, MBB +0,21%, ACB +0,2%, LPB +0,32%, TPB +0,31%, EIB +0,54%,… Ngược lại, BID -0,32%, CTG -0,43%, HDB -0,58%, VIB -0,27%, STB -0,45%,…

Về phía nhóm bất động sản khá nổi bật khi có các trụ lớn trong nhóm dẫn dắt: VIC +0,12%, BCM +0,15%, VRE +0,56%, KDH +0,15%,… nổi bật KBC +2,96%, NVL +2,37%, SNZ +1,19%, DIG +1,23%, DXG +2,18%, DXS tăng kịch trần.

Ngành viễn thông là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 0,96% chủ yếu đến từ các mã VGI +0,82%, FOX +1,47%, CTR +5,34% và ELC +2,48%. Theo sau là ngành công nghệ thông tin.

Ở chiều ngược lại, ngành năng lượng có mức giảm mạnh nhất thị trường với -1,97% chủ yếu đến từ mã BSR -2,9%, PVS -1,35%, PVD -1,65% và PVC -2,61%,…

Về giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, khối này vẫn chưa dứt chuỗi bán ròng gần 174 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Trên HoSE, khối ngoại bán ròng mạnh tay hơn 166 tỷ đồng.

Cổ phiếu VPB chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 104 tỷ đồng. Tiếp theo, SSI -55 tỷ đồng, HPG -43 tỷ đồng và HDB -43 tỷ đồng; VIX cũng bị khối ngoại bán ròng trên 32 tỷ đồng,…

Ngược lại, cổ phiếu MWG, STB và KBC là các cổ phiếu được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với giá trị mua ròng từ 47 tỷ tới 50 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng VNM và NVL mỗi mã khoảng 25-33 tỷ đồng.

 Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Tín hiệu đảo chiều tăng điểm vẫn chưa rõ ràng

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Chỉ số VN-Index đảo chiều tăng điểm nhẹ với khối lượng khớp lệnh cải thiện, vượt mức trung bình 20 phiên (+9,1%). Trong phiên, áp lực bán hoàn toàn áp đảo và có lúc đẩy VN-Index về vùng hỗ trợ quanh 1.230 điểm, tại mốc này lực cầu có xu hướng gia tăng giúp chỉ số có sự đảo chiều tăng điểm khi đóng cửa.

Phiên tăng điểm hôm nay hình thành nến đảo chiều Hammer thứ hai cho thấy áp lực bán có chiều hướng chững lại, khả năng cao VN-Index sẽ có các phiên tăng điểm tiếp theo.

Tuy vậy, tín hiệu đảo chiều tăng điểm vẫn chưa rõ ràng, nên chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi sự xác nhận đảo chiều hoặc chờ cổ phiếu có trong danh mục đã mua thăm dò ở vùng 1.248-1.250 điểm về tài khoản có lợi nhuận thì mới gia tăng thêm tỷ trọng.

Tận dụng những nhịp rung lắc để tăng tỷ trọng cổ phiếu đã khả dụng

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì những mã giữ được xu hướng với tín hiệu vượt đỉnh thuyết phục và chưa xuất hiện tín hiệu bán, hoặc những mã kiểm định vùng hỗ trợ thành công và đang có động lực tăng giá từ lực cầu tích cực.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để gia tăng tỷ trọng đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục. Những nhóm ngành đáng chú ý bao gồm viễn thông, bất động sản, hóa chất-phân đạm.

Xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index một lần nữa cho phản ứng hồi phục tích cực và hình thành nến rút chân tại quanh ngưỡng hỗ trợ gần Đồng thời, thanh khoản có sự cải thiện hơn, cho thấy hoạt động bắt đáy vẫn diễn ra chủ động bất chấp chiều bán đang gia tăng về cường độ.

Mặc dù vậy, với lượng cung lớn tiềm ẩn ở các vùng kháng cự trên, rủi ro chỉ số đối mặt với áp lực bán lớn trở lại vẫn đang được để ngỏ.

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục.

Cẩn trọng quan sát và duy trì tỷ trọng hợp lý

Chứng khoán Asean

Chúng tôi cho rằng, thị trường có thể có các phiên hồi phục chậm rãi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến DXY, tình hình tỷ giá trong nước và các động thái của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để xác định xu hướng thị trường rõ ràng hơn. Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên cẩn trọng quan sát và duy trì tỷ trọng hợp lý.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co gần mức 1.240 điểm và đà tăng có thể duy trì trong phiên kế tiếp. Đồng thời, đồ thị giá của VN-Index có dấu hiệu xuất hiện mô hình đảo chiều tăng giá, mô hình đảo chiều tăng giá cũng xuất hiện trên VNMidcaps và VNSmallcaps cho thấy rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40 - 45% danh mục ngắn hạn và mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.

VN-Index có thể tạo đáy tại ngưỡng hỗ trợ 1.240

Chứng khoán BIDV (BSC)

Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở ngưỡng 1.234 và đưa chỉ số trở về ngưỡng 1.245. Tuy nhiên, VN-Index đang có xu hướng hạ thấp dần vùng giằng co. Trong trường hợp tích cực, VN-Index có thể tạo đáy tại ngưỡng hỗ trợ 1.240.

Nhà đầu tư có thể tiếp tục mở vị thế tại ngưỡng 1.240 điểm

Chứng khoán TPBank (TPS)

VN-Index tạo lập một cây nến hồi phục sau phiên giảm điểm khá mạnh trước đó. TPS cho rằng chỉ khi có nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt xuất hiện hoặc các nhóm có câu chuyện đầu tư thì thị trường mới có thể mở ra các kịch bản tươi sáng hơn.

Hiện tại, vùng giá 1.240 điểm đang hỗ trợ chỉ số VN-Index khá tốt. Các phiên hồi phục trong các phiên gần đây đang có dấu hiệu tăng trưởng về mặt thanh khoản. Nhà đầu tư có thể tiếp tục mở vị thế tại ngưỡng 1.240 điểm.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/xu-huong-ngan-han-van-nghieng-ve-chieu-giam-post555986.html