Tạo lợi thế cho các cơ sở sản xuất, xuất khẩu sang thị trường quốc tế
Việc được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cho các cơ sở khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Kiểm tra sinh trưởng của cây tía tô xanh tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói nhằm theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng và phục vụ truy xuất nguồn gốc các nông sản. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 6 cơ sở trồng trọt được cấp mã số cơ sở đóng gói. Việc được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cho các cơ sở khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Là một trong những đơn vị sản xuất nông sản đầu tiên được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh từ năm 2023, Hợp tác xã rau sạch Đại An, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài hiện canh tác hơn 10 ha rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó 5 ha hành, tỏi đã được cấp mã số vùng trồng. Việc được cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm mà giúp người nông dân mở rộng thị trường.
Anh Trần Văn Bình, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Đại An chia sẻ: Hợp tác xã rau sạch của anh bắt đầu quá trình tích tụ ruộng đất từ năm 2018. Nhận thấy bà con nông dân trong khu vực bỏ đất nhiều, bởi vậy, anh cùng một số thành viên trong vùng đã tập hợp, đến nhà từng hộ dân thuê đất, học hỏi các mô hình trồng rau ở một số vùng khác về áp dụng tại quê hương.
Trải qua khó khăn ban đầu, anh Bình cùng hợp tác xã đã định hình hướng đi của mình, trong đó tiến hành trồng các cây rau, màu xen canh. Mùa hè, hợp tác xã trồng các loại dưa hấu, dưa lê; mùa đông trồng hành, tỏi, khoai tây, cà rốt. Trong quá trình trồng, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hợp tác xã luôn chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, với việc được cấp mã số vùng trồng, bảo đảm quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của hợp tác xã được nhiều doanh nghiệp hợp đồng đầu thu mua ngay từ đầu vụ.
Vụ Đông năm 2024, hợp tác xã của anh trồng hơn 5 ha hành, tỏi và hơn 5 ha khoai tây, cà rốt cung cấp ra thị trường hơn 30 tấn hành, tỏi với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg và hàng chục tấn cà rốt, khoai tây với giá xuất bán cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và khẳng định chất lượng nông sản địa phương.
Đặc biệt, vụ Đông vừa qua, nhiều địa phương nông dân gặp khó khăn khi giá bán cà rốt chỉ từ 1,5 - 3 triệu/sào (360 m2) nhưng cà rốt của anh vẫn bán được giá 7 - 9 triệu/sào. Điều này khẳng định chất lượng sản phẩm của anh cũng như những giá trị mã số vùng trồng mang lại.
Không chỉ các hợp tác xã, nhiều nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào việc xây dựng mã số vùng trồng, điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Với hơn 1 ha lá tía tô đã được cấp mã số vùng trồng, mỗi ngày, công ty xuất bán khoảng 15.000 - 20.000 lá tía tô với giá trung bình 600/lá cho các nhà hàng. Trước những yêu cầu khắt khe về chất lượng nông sản, mã vùng trồng là cơ sở doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, thuận lợi hơn, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh khi đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.

Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm, huyện Lương Tài là 1 trong 6 cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng của tỉnh Bắc Ninh.
Ông Ngô Văn Thắng, Quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm, huyện Lương Tài cho biết: Với đặc điểm lá tía tô xanh chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa và nhiều loại vitamin khác nhau như C, A và K, từ năm 2014, doanh nghiệp đã bắt tay vào đầu tư trang trại trồng, chăm sóc, sơ chế tía tô được trang bị chuyên nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản.
Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu nông sản siêu sạch để ăn sống sang thị trường Nhật Bản, một thị trường khắt khe bậc nhất thế giới với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hàng đầu thế giới về thực phẩm, đặc biệt là đồ ăn sống. Công ty luôn áp dụng quy trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch lá. Nhờ áp dụng các quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, lá tía tô của công ty sản xuất đến đâu khách nhập hết đến đó. Đặc biệt, sau khi được cấp mã số vùng trồng, lượng khách hàng chủ động tìm, tiêu thụ sản phẩm tăng lên đáng kể.
Hiện nay, tỉnh hiện có 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên; 94 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1 ha trở lên; 50 cơ sở sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP; tuy nhiên mới có 6 cơ sở sản xuất được cấp mã số vùng trồng và 1 đơn vị được cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh hướng dẫn các nông hộ, hợp tác xã trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đăng ký cấp mã số vùng trồng, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Phân loại tía tô xanh trước khi xuất bán ra thị trường.
Ông Dương Đức Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết: Qua đánh giá, việc được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần nâng cao vị thế của nông sản Bắc Ninh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là một bước đi bền vững trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.
Theo kế hoạch về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cấp ít nhất 21 mã số cho các vùng trồng nông sản đủ điều kiện, đặc biệt là tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Việc được cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định hơn mà còn thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa, mất giá.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường, tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và tổ chức, cá nhân tham gia mã số vùng trồng để thực hiện tốt chuỗi cung ứng xuất khẩu; tuyên truyền về ý nghĩa của việc cấp mã số vùng trồng tới các xã, thị trấn, doanh nghiệp, người dân nhằm đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, đáp ứng nhu cầu cung cấp nông sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu.