Tạo lực đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Bài 3 - Cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, trách nhiệm của hệ thống chính trị (HBĐT) - Năm 2020, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; tập trung thu hút các DN có năng lực đến đầu tư tại Hòa Bình, góp phần tạo nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH. Phấn đấu tăng tổng điểm số PCI từ 2 - 5 điểm so với năm 2019.
Thử nghiệm tự động chuyển đổi văn bản thành tiếng nói Tiếng Việt (Viettel)
Your browser dose not Support the audio Tag
Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ ngày đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020. Đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các sở, ngành, DN, nhà đầu tư để nắm bắt tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc; lắng nghe đề xuất, kiến nghị, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp.
Để chủ trương, kế hoạch trở thành những việc làm cụ thể, thiết thực, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì từng chỉ số thành phần, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP thuộc trách nhiệm của cơ quan mình được giao; khẩn trương nghiên cứu, phân tích, xây dựng mục tiêu, giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của cơ quan, đơn vị. Nâng cao nhận thức, tạo sự vào cuộc tích cực, chủ động, đồng bộ, có trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, từng bộ phận, đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời, thực hiện đầy đủ quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về kiểm tra chuyên ngành.
Rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm thời gian giải quyết TTHC tại các cơ quan, trong đó, thời gian đề xuất cắt giảm tối thiểu là 30% thời gian theo quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để các huyện, thành phố lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, lập bản đồ địa chính có tọa độ, làm cơ sở giúp nhà đầu tư nghiên cứu, định hướng thu hút đầu tư.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu: Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, có quy định bằng văn bản yêu cầu tất cả các kiến nghị, đề xuất của DN phải được trả lời bằng văn bản, có thời gian cụ thể; công khai các kiến nghị, quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, DN trên trang tin điện tử của các đơn vị.
UBND các huyện, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục nhận chuyển đất, nhất là những thửa đất đủ điều kiện cấp bìa cho hộ dân nhưng chưa được cấp. Giám sát nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định của pháp luật.
Mới đây, Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh đã tổ chức họp bàn về những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp tháo gỡ. Tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, bám sát kế hoạch hàng năm của tỉnh; tăng cường sự thúc đẩy của lãnh đạo, kiểm soát chất lượng công việc, nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy cán bộ theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và DN. Tập trung rà soát các quy hoạch, trường hợp có sự chồng chéo, chưa phù hợp thì báo cáo UBND tỉnh và đề xuất giải pháp giải quyết, trong đó tập trung vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng. Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch, công khai quy hoạch để các tổ chức, cá nhân thực hiện. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về việc chuyển đổi vị trí công tác, phòng chống tham nhũng theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đảm bảo thực chất, hiệu quả, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Cần tăng cường Chính phủ điện tử; tổ chức thực hiện tốt hơn hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công; phân công, phân nhiệm đến cả cấp huyện làm công tác thu hút đầu tư, tỉnh chỉ quyết định theo thẩm quyền. Tỉnh cũng cần có tổ chức bộ máy giải quyết nhanh công tác xúc tiến đầu tư, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư thì mới có thể có được môi trường đầu tư tốt. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy cải cách hành chính, phải làm cho được trong năm 2020 khởi công khu liên cơ quan của tỉnh. Đồng thời, phải cơ bản hoàn thành cầu Hòa Bình 2, cũng như một số tuyến giao thông trọng điểm, trong đó có tỉnh lộ 435 nối TP Hòa Bình đi trung tâm xã Ngòi Hoa (nay sáp nhập với xã Trung Hòa thành xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc) và vùng lõi của khu du lịch hồ Hòa Bình, nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển. Muốn vậy, phải chọn được đội ngũ cán bộ có đức, tinh thông nghiệp vụ, có tâm huyết, nỗ lực, tính nhạy bén và quyết tâm chính trị cao thì mới thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tỉnh đưa ra. Ngoài ra, quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến sự chậm trễ trong giải quyết TTHC để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư. Có thu hút được những nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào tỉnh thì mới có thể cải thiện tốt được môi trường đầu tư kinh doanh.
Hoàng Nga
Bài 1 - Nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện
Bài 2 - Xác định điểm nghẽn để "khơi thông dòng chảy" thu hút đầu tư