Tạo lực đẩy cho công nghiệp nông thôn bứt phá
Xác định đẩy mạnh chế biến là bước tiến quan trọng trong việc giúp cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp gia tăng giá trị so với việc bán nông sản thô, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Đồng Tháp đã thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất thuộc các lĩnh vực: chế biến gạo và các sản phẩm chế biến sau gạo, chế biến nông sản… tại nhiều huyện và thành phố. Với sự trợ lực kịp thời từ chương trình khuyến công đã góp phần tiếp thêm động lực để các DN nông thôn mở rộng quy mô sản xuất, từng bước đưa sản phẩm vươn xa hơn ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chế biến gạo, hiện nay, trung bình mỗi tháng, hộ kinh doanh Trần Thị Thúy ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cung cấp trên 2.000 tấn gạo thành phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do thiếu đầu tư máy móc tiên tiến vào sản xuất nên sản phẩm gạo chế biến của đơn vị vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng và giá trị vốn có.
Nhận thấy nhu cầu bứt thiết của hộ kinh doanh Trần Thị Thúy trong việc đầu tư trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, năm 2023, từ nguồn khuyến công địa phương, TTKC&TVPTCN Đồng Tháp đã thực hiện hỗ trợ máy tách màu gạo, quy mô công suất 9 – 12 tấn/giờ, với tổng kinh phí đầu tư trên 1,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng, phần chi phí đầu tư còn lại do hộ kinh doanh đối ứng.
Phấn khởi khi được hỗ trợ đầu tư máy tách màu gạo, chị Trần Thị Thúy - chủ hộ kinh doanh chia sẻ: “Trước đây, khi nhận được các đơn đặt hàng từ các đối tác lớn yêu cầu gạo chế biến phải chuẩn, chất lượng phải đồng nhất, đơn vị chúng tôi thường phải phối hợp với bên thứ ba để thực hiện công đoạn gia công tách màu. Từ khi được hỗ trợ đầu tư máy tách màu gạo, công việc sản xuất của chúng tôi được thực hiện chủ động và tiết kiệm chi phí hơn. Máy tách màu gạo giúp tách triệt để các phế phẩm lẫn trong gạo thành phẩm, đáp ứng được nhu cầu của đối tác, khách hàng trong và ngoài nước”.
Có thể thấy thời gian qua, với những hỗ trợ kịp thời từ chương trình khuyến công địa phương đã góp phần giúp cho những cơ sở, DN sản xuất, chế biến ở khu vực nông thôn từng bước hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Với việc đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất đã giúp cho người dân ở khu vực nông thôn khai thác tối đa những giá trị mà nguồn tài nguyên bản địa mang lại. Từ đầu năm đến nay, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương TTKC&TVPTCN đã thực hiện 7 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 12 cơ sở, DN chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,3 tỷ đồng
Ông Tào Tấn Tài - Giám đốc TTKC&TVPTCN Đồng Tháp, cho biết: “Nhằm khuyến khích người dân ở khu vực nông thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất chế biến, nhất là đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu những mặt hàng nông sản có lợi thế tại địa phương, thời gian qua, TTKC&TVPTCN đã rà soát và tham mưu kịp thời cho Sở Công Thương thực hiện nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở, DN sản xuất ở khu vực nông thôn, tạo đòn bẩy cho việc khai thác chế biến thuộc các ngành hàng chủ lực của tỉnh như: lúa, cá, sen, xoài, hoa kiểng... Với những hiệu quả bước đầu cho thấy, chương trình hỗ trợ từ khuyến công đã góp phần giúp cho sản phẩm của các DN, cơ sở được hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn, từ đó đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng khắt khe của thị trường. Đặc biệt, từ nguồn lực từ chương trình khuyến công đã giúp cho sản phẩm của DN được quảng bá tốt hơn, giúp cho sản phẩm của DN đến gần hơn với thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước...