Tạo lực đẩy cho nền kinh tế: Nới nợ công, cứu tổng cầu
Để tạo lực đẩy cho 'cỗ xe tam mã' của nền kinh tế, cần nới rộng tỷ lệ nợ công/GDP, cứu tổng cầu đang xuống thấp và tạo điều kiện phát triển các mô hình kinh doanh mới.
Song song với nới room nợ công, Việt Nam cần hướng đến kích thích nền kinh tế đồng bộ, vừa tăng đầu tư vào hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Nới nợ công không đáng ngại
Các nhà kinh tế học đầu ngành cho rằng, không thể không tính đến động thái nới rộng tỷ lệ nợ công trên GDP, nếu muốn thúc đẩy “cỗ xe tam mã” (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) của nền kinh tế Việt Nam.
Theo GS. Lê Văn Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm Kinh tế Sorbonne thuộc Đại học Paris 1, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng cao không hề đáng ngại. Ngay cả ở mức 60-65%, tỷ lệ này cũng không hề quá sức với nền kinh tế đang tăng trưởng tốt và có dự trữ quốc gia tốt trong những năm qua.
“Các nước phát triển như Pháp, Bỉ có tỷ lệ nợ công/GDP lên tới 100%, EU thì xấp xỉ 90%, còn ở Mỹ, tỷ lệ nợ công/GDP không đáng bàn, vì họ thoải mái về vấn đề này”, GS. Cường nói.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam 5 năm qua luôn dao động trong khoảng 57-60%. Con số này chỉ đáng lo khi nhảy vọt từ 10% lên 30% hay 60%, còn diễn biến tăng chậm những năm qua tương đối an toàn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội Việt Nam, khiến GDP quý II chỉ tăng 0,36%, còn tính chung 6 tháng là 1,81%, thấp nhất trong 10 năm qua, GS. Cường đánh giá, nới room cho nợ công là điều cần thiết để kích thích tăng trưởng.
Đồng quan điểm, tại Tọa đàm trực tuyến về “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và hàm ý chính sách cho Việt Nam tổ chức chiều 6/7 tại Hà Nội, GS. Philippe Aghion từ Đại học Harvard (Mỹ) nhận định rằng: “Việt Nam không nên quá quan ngại về tỷ lệ nợ công/GDP. Khi tăng trưởng cao mà tỷ lệ nợ công tăng cao thì không vấn đề gì”.
Dẫn học thuyết Keynes, GS. Aghion kiến giải, trong bối cảnh mức cầu và cung vẫn thấp, Việt Nam cần phải kích cả cung lẫn cầu và để làm vậy đòi hỏi phải tăng nợ công lên thì mới thúc được tăng trưởng. Tỷ lệ nợ công/GDP tăng cao không đáng lo, vì Việt Nam đã sẵn dư địa tăng trưởng cao khoảng 7% trong thời gian dài và năm 2020, dù chịu tác động của Covid-19 và nhiều thách thức liên quan, tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo đạt 4%. “Đây là những mức tăng trưởng rất tuyệt vời”, ông Aghion nhấn mạnh.
Song song với việc nới room nợ công, Việt Nam cần hướng đến kích thích nền kinh tế đồng bộ, vừa tăng đầu tư vào hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tận dụng lợi ích của một loạt hiệp định mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. Những điều chỉnh trên được hy vọng tạo cú hích để Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn so với các nước trong khu vực.
Riêng với tổng cầu thấp do Covid-19, GS. Aghion lưu ý: “Để cứu tổng cầu, cần phải hỗ trợ tích cực cho các ngành theo hai chiều, từ trên xuống, từ dưới lên và ngược lại. Cần xác định rõ mô hình kinh doanh mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiến hành mô hình kinh doanh mới một cách dễ dàng hơn. Hãy để doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia thị trường một cách dễ dàng nhất để phát huy sáng tạo”.
Thế giới xoay về hợp tác đa phương, Việt Nam vẫn có lợi
Trong nhận định khá thận trọng về kinh tế thế giới, GS. Aghion cho rằng, giữa lúc chưa có khẳng định rõ ràng về vắc-xin ngừa Covid-19, ngay cả khi tháng 1/2021 vắc-xin được bào chế thành công và đưa vào sử dụng rộng rãi, thì kinh tế thế giới phải đến năm 2023 mới có thể phục hồi hoàn toàn.
Bức tranh kinh tế thế giới sắp tới cũng phụ thuộc nhiều vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới. “Nếu cựu Phó tổng thống Joe Biden thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, kinh tế thế giới còn có cửa hy vọng cơ chế đa phương toàn cầu được phục hồi”, GS. Aghion nhận định.
Dù biến động kinh tế thế giới ra sao, thì Việt Nam, với đặc tính khôn ngoan và linh hoạt cao, vẫn có rất nhiều lợi thế và cơ hội kinh doanh từ các hiệp định thương mại được ký kết. Hơn nữa, Việt Nam cũng được cộng đồng thế giới đánh giá cao về việc tuân thủ nghiêm “luật chơi” của WTO. Ngoài ra, với thành công trong chống dịch Covid-19, Việt Nam càng có cơ hội trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế ở khu vực.
Đối với tăng trưởng dài hạn hậu Covid-19, GS. Aghion nhận định, với quy mô dân số khá lớn, Việt Nam có thể theo kịp tăng trưởng toàn cầu ở nhiều góc độ khác nhau, nếu người lao động được đào tạo bài bản và khuyến khích sáng tạo.
“Những cải cách mở cửa nền kinh tế mà Việt Nam thực hiện từ những năm 1990 là hướng đi đúng cần theo đuổi. Chúng ta không còn nhiều thời gian để bắt kịp xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, do đó cần đầu tư mạnh vào giáo dục đại học, cùng với đào tạo nghề, đồng thời tăng độ mở trong tiếp cận giáo dục”, GS. Aghion nhấn mạnh.
Để thúc “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế đi lên, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra tuần trước, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, theo tinh thần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, nhưng các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương đi vào cuộc sống một cách “quyết liệt, cụ thể”.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tao-luc-day-cho-nen-kinh-te-noi-no-cong-cuu-tong-cau-d125423.html