Tạo lực đẩy cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh của cả nước có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 74,43% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Sau khi rà soát phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) theo trình độ phát triển trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 145/151 xã, phường, thị trấn, gồm 60 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 73 xã khu vực I và 82 thôn, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc các xã khu vực II, khu vực I. Đây là căn cứ để xác định địa bàn thực hiện Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

Tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh triển khai mô hình thâm canh giống lúa mới chất lượng cao J02 tại xã Mường Chiềng (Đà Bắc) mang lại hiệu quả cao.

Tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh triển khai mô hình thâm canh giống lúa mới chất lượng cao J02 tại xã Mường Chiềng (Đà Bắc) mang lại hiệu quả cao.

Trong tỉnh, ĐBDTTS sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, xuất phát điểm thấp. Biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét diễn ra nghiêm trọng, khó lường; giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH chung của cả tỉnh.

Thông qua thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020, như: Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của tỉnh. KT-XH vùng ĐBDTTS&MN có những tiến bộ vượt bậc. Đến nay, trong tỉnh có 59/131 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, các xã hoàn thành XDNTM giai đoạn 2015 - 2020 chủ yếu thuộc khu vực I, II, có rất ít xã thuộc diện ĐBKK (còn 59/60 xã khu vực III chưa đạt chuẩn NTM). Kết quả thực hiện các tiêu chí của một số xã vùng khó khăn, vùng ĐBKK thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các huyện, thành phố. Nông thôn miền núi phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ dân sinh, vùng ĐBKK có đông ĐBDTTS sinh sống, canh tác lâu đời vẫn là "lõi nghèo” ở vùng DTTS&MN.

Những năm qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo nhằm đạt kế hoạch CTMTQG giảm nghèo bền vững đề ra. Với nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành đã giúp bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK giảm 3 - 4%/năm. Song, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, nếu so với kết quả giảm nghèo chung của cả tỉnh, tình trạng hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS vẫn là một trong những thách thức lớn. Tính đến năm 2020, hộ nghèo người DTTS chiếm 93,08% trong tổng số hộ nghèo của tỉnh. Thu nhập bình quân của người DTTS ở các xã ĐBKK mới đạt khoảng 25,2 triệu đồng/năm, chưa bằng 1/2 so với mức bình quân chung của tỉnh.

Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, chủ trương đầu tư CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu xây dựng dự thảo Đề án phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: Ban đã phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện khảo sát, đánh giá thực trạng KT-XH vùng ĐBDTTS&MN với phạm vi 145/151 xã, phường, thị trấn. Mục đích để xác định rõ thực trạng KT-XH, từ đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, xác định nhu cầu kinh phí, giải pháp thực hiện, ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các xã khu vực ĐBKK của tỉnh. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH cho vùng DTTS, trọng tâm là giao thông nông thôn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển giao KHKT, ứng dụng công nghệ trong các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc. Đồng thời, sắp xếp, bố trí dân cư ở những nơi thường xuyên xảy ra lũ bão, thiên tai để đồng bào ổn định đời sống, có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Việc ban hành nghị quyết và đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tạo lực đẩy cho sự phát triển vùng ĐBDTTS nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng ĐBDTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản ĐBKK...

Hoàng Nga

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/153163/tao-luc-day-cho-phat-trienvung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm