Tạo luồng gió mới trong phong trào nông dân

Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân (ND) tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023- 2028, các vấn đề có liên quan đến nông nghiệp (NN), ND, nông thôn (NT) đã được thảo luận. Đây là những bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy, giữ vững thành tựu đã đạt được; là tiền đề để Hội ND các cấp tạo chuyển biến mới trong công tác hội và phong trào ND nhiệm kỳ mới…

Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Dù đi vào hoạt động cách đây vài năm, Chi hội ND tỷ phú Bình Dương đã để lại nhiều dấu ấn với những kết quả đáng tự hào. Chi hội được thành lập đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều ND sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) trong tỉnh. Chi hội là nơi để các hội viên có sân chơi chung, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất; đồng thời là niềm phấn khởi của ND SXKDG với mong muốn được đồng hành cùng nhau vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Từ khi thành lập (tháng 4-2021) đến nay, chi hội đã tổ chức được trên 8 kỳ sinh hoạt. Các buổi sinh hoạt được tổ chức lồng ghép với học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả ngoài tỉnh như tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình…

Nét nổi bật của chi hội là hàng năm, thành viên chi hội đăng ký tham gia phong trào ND thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tại các cơ sở hội. Kết quả bình xét hàng năm tất cả hội viên đều đạt danh hiệu ND SXKDG cấp tỉnh trở lên… Bên cạnh đó, nhiều hội viên cũng đã mạnh dạn liên kết mở rộng sản xuất ra ngoài tỉnh…

Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X có chủ đề: “Xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới”. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thời gian qua, phong trào ND thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội ND tại huyện Dầu Tiếng triển khai thực hiện hiệu quả. Phong trào thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và hợp tác xã phát triển. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình như trang trại tổng hợp của ông Tống Văn Hướng xã Minh Hòa; mô hình nuôi chim yến của bà Vũ Thị Tuất xã Minh Tân; mô hình trồng măng cụt của ông Nguyễn Văn Tỵ xã Thanh Tuyền và mô hình trang trại nấm của bà Nguyễn Thị Minh Tấn xã Long Hòa… Các mô hình nói trên cho thu nhập sau khi trừ chi phí từ 2 - 4 tỷ đồng/năm…

Từ phong trào này, Hội ND huyện đã phát động tương trợ trong nội bộ hội viên ND bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vốn vay không lãi suất, hỗ trợ cây, con giống... Kết quả, trong nhiệm kỳ qua, hội đã vận động với số vốn lên đến hơn 31 tỷ đồng giúp cho 3.103 hộ ND phát triển kinh tế. Qua chương trình, hội đã phối hợp giúp đỡ cho 387 hộ thoát nghèo…

Đổi mới tư duy, tầm nhìn

Để phát huy thế mạnh sản xuất NN cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, Huyện ủy Phú Giáo luôn quan tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Hội ND các cấp trên địa bàn. Trong công tác lãnh đạo, Huyện ủy rất quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội ND, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Huyện ủy Phú Giáo luôn coi cán bộ hội cơ sở là những người sát hội viên, trực tiếp vận động hội viên, ND thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào, nhiệm vụ công tác hội; là cầu nối giữa tổ chức hội với hội viên, ND; giữa tổ chức hội với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Có thể nói, NN, ND, NT là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, đóng góp tích cực vào phát triển NN, ND, NT của tỉnh. Điều này được thể hiện rõ ở việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN và sự thay đổi tương ứng của các chính sách hỗ trợ…

Qua thực tiễn công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ củng cố, kiện toàn cán bộ Hội ND cấp cơ sở, Huyện ủy Phú Giáo rút ra một số kinh nghiệm, như: Thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ Hội ND cấp huyện và cơ sở bảo đảm số lượng và chất lượng; khi bố trí cán bộ chuyên trách của hội, cần lựa chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực phù hợp, hiểu biết về NN, ND, NT, tâm huyết với công tác hội; công tác củng cố, kiện toàn cán bộ hội phải được thực hiện kịp thời, đúng quy định, để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào ND của địa phương…

Có thể nói, NN, ND, NT là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, đóng góp tích cực vào phát triển NN, ND, NT của tỉnh. Điều này được thể hiện rõ ở việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN và sự thay đổi tương ứng của các chính sách hỗ trợ. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành NN đã được sở triển khai hiệu quả, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, tạo điều kiện để sản xuất các sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất NN. Một số chính sách nổi bật hỗ trợ phát triển sản xuất như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống, quy trình kỹ thuật tiên tiến; phát triển kinh tế trang trại; phát triển sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao…

Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về NN, ND, NT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng định hướng xây dựng hệ NN sinh thái, NT hiện đại, ND văn minh.

HUỲNH THỦY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tao-luong-gio-moi-trong-phong-trao-nong-dan-a304042.html