Tạo 'mã định danh' người Hà NôịBài cuối: Viết tiếp kỳ tích

Văn hóa và con người Thăng Long - Hà Nội được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử là di sản vô cùng quý báu, để Hà Nội lập nên những kỳ tích trên mảnh đất Rồng bay.

Đứng trước sứ mệnh xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Là Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ.

Sự phát triển của văn hóa, con người Hà Nội góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, khuyến khích những điều tốt đẹp trong xã hội ngày càng lan tỏa rộng hơn. Ảnh: Quang Thái

Sự phát triển của văn hóa, con người Hà Nội góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, khuyến khích những điều tốt đẹp trong xã hội ngày càng lan tỏa rộng hơn. Ảnh: Quang Thái

Tự tin về khả năng tiếp biến, sàng lọc của Thăng Long - Hà Nội

- Xu thế toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ hiện nay đã xóa nhòa mọi ranh giới. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta tiếp cận cái mới, nhưng những đặc trưng văn hóa, “chất” riêng của con người như của Thăng Long - Hà Nội cũng đứng trước nguy cơ mai một. Đồng chí cho biết quan điểm về thực tế này?

Ngược lại với nguy cơ đó, trên thực tế, nhiều quốc gia đã tận dụng rất tốt bối cảnh toàn cầu hóa để biến thành cơ hội, phát huy giá trị văn hóa. Quay lại lịch sử, đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chúng ta không chỉ tiếp cận văn hóa phương Đông, mà còn tiếp cận văn hóa phương Tây từ rất sớm, ít nhất cũng từ thế kỷ XVII.

Ngoài luồng văn hóa phương Tây đến từ Pháp hay đến từ các đối tác làm ăn với Thăng Long kẻ chợ trước đây, Hà Nội còn chịu sự ảnh hưởng bằng nhiều kênh khác nhau của văn hóa các nước Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa, thông qua các công trình, qua giao lưu và những người con của Hà Nội đi du học, làm việc ở các nước đó đem về. Nhưng ngày nay, chúng ta vẫn có một nền văn hiến với nhiều đặc trưng riêng có. Cho nên, Thăng Long - Hà Nội là câu chuyện rất điển hình về giao lưu hội nhập quốc tế; văn hóa Hà Nội không đóng kín, luôn cởi mở và không ngừng chắt lọc, sàng lọc.

Đúng là trước bối cảnh hiện nay, có những ý kiến lo lắng những giá trị truyền thống sẽ bị tác động làm mai một, làm biến mất đi. Đây là sự quan tâm rất đúng. Nhưng nếu bình tĩnh xem xét lại lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội thì chúng ta có cơ sở để tự tin khẳng định: Thế giới toàn cầu hóa, số hóa hiện nay sẽ không thể làm thay đổi được đặc trưng vốn có của Thăng Long - Hà Nội.

- Như vậy, điều kiện hiện nay đem đến cho Hà Nội nhiều cơ hội phát triển văn hóa, xây dựng con người hơn là những nguy cơ, thưa đồng chí?

Điều này phụ thuộc vào cách chúng ta quan tâm và tiếp cận vấn đề. Hà Nội sau 70 năm giải phóng từ một thành phố có 200 nghìn dân, đến nay đã phát triển thành một thành phố khoảng 10 triệu dân và trung bình mỗi năm có thêm 200 nghìn người nhập cư từ khắp mọi miền về Hà Nội, chưa kể, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng lên tới hàng trăm nghìn người. Vậy nên, chúng ta đánh giá như thế nào đối với văn hóa, con người Hà Nội, với những đặc trưng riêng; phân biệt đâu là cốt lõi, đâu là nội dung mới xuất hiện và cái nào đang trong quá trình chuyển hóa thành giá trị mới của Hà Nội? Đồng thời, phải dự báo sắp tới có những xu hướng gì tác động tới con người Hà Nội để có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Toàn cầu hóa và số hóa đem đến cơ hội tiếp cận cái mới nhanh hơn và bình đẳng cho tất cả mọi người cũng như các nền văn hóa. Chúng ta đang có cơ hội rút ngắn khoảng cách về sự phát triển khi có thể tiếp cận được một kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại, đem vận dụng vào quá trình thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nếp sống, nâng cao trình độ, khả năng hưởng thụ về văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất; tăng cường giao lưu kết nối với thế giới bên ngoài; tránh đi những sự biệt lập về văn hóa.

- Vậy thời gian qua, Hà Nội đã tận dụng cơ hội này như thế nào, thưa đồng chí?

Phát triển văn hóa, xây dựng con người luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo thành phố, thể hiện một cách thống nhất, đồng bộ trong các chủ trương, chính sách. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với các lĩnh vực khác mang tính thiết yếu, trong đó xác định rõ: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Thành ủy ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội tiên phong ban hành Nghị quyết

số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% GRDP của thành phố vào năm 2030 và 10% vào năm 2045.

Điểm nhấn mới nhất trong triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là ngày 19-2-2024, Thành ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, qua đó tạo sự thống nhất trong hành động, quan điểm về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội gắn với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội, phát triển Thủ đô theo hướng bền vững.

Kết quả thực hiện các nghị quyết, chương trình, chỉ thị trên đã tạo chuyển biến mạnh trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội. Thứ nhất, Hà Nội vẫn giữ vững vai trò là trung tâm văn hóa lớn của cả nước; thứ hai, vẫn là nơi giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa của cả nước; thứ ba, văn hóa của Hà Nội đã góp phần phát triển các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, nhất là du lịch văn hóa có bước tăng trưởng rất ấn tượng thời gian vừa qua, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Đến năm 2024, chúng ta đã có những lĩnh vực, những chỉ tiêu bằng và vượt so với trước khi có đại dịch; đây là điều không dễ dàng đối với bất kỳ địa phương nào ở trong nước cũng như trên thế giới. Và đó cũng chính là một trong những yếu tố cho thấy sự phát triển của văn hóa Hà Nội.

Một kết quả quan trọng nữa mà chúng ta phải ghi nhận, đó là sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhận thức về phát triển văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đã được nâng lên rất rõ rệt, biểu hiện rất sinh động là các đặc trưng văn hóa của các địa phương đã được quan tâm phục hồi và đang từng bước trở thành tài sản.

Thêm một kết quả ấn tượng là Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, chứng minh Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội là rất đúng, rất trúng, là “cú hích” rất quan trọng. Hà Nội đã huy động được sức sáng tạo của cộng đồng, nâng cao vai trò của nghệ sĩ, nghệ nhân, của các doanh nghiệp. Văn hóa, con người Hà Nội hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn, nhất là từ khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Sự phát triển của văn hóa, con người Hà Nội những năm qua còn góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, khuyến khích những điều tốt đẹp trong xã hội ngày càng nảy nở nhiều hơn, lan tỏa rộng hơn.

Sẵn sàng tạo “mã định danh” người Hà Nội mới

- Thành phố đặt mục tiêu như thế nào trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Như tôi đã nói, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không phải là quá trình đứt đoạn, mà phải kiên trì, bền bỉ. Quá trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không phải là quay trở lại một cách cứng nhắc, khuôn mẫu của người Hà Nội xa xưa. Rất nhiều người mong muốn là kinh tế phát triển như hiện nay, nhưng văn hóa thì như cách đây 50-70 năm. Đấy cũng là mong muốn hợp lý. Nhưng trên thực tế, quá trình phát triển của văn hóa cũng như quá trình vận động của xã hội không bao giờ dừng lại, mà là quá trình vận động liên tục, có bổ sung, sàng lọc, có kế thừa và phát triển.

- Vậy “mã định danh” cho người Hà Nội thanh lịch, văn minh hôm nay và mai sau cần được nhìn nhận như thế nào, thưa đồng chí?

Bây giờ, điều quan trọng nhất là chúng ta tìm ra những đặc trưng của người Hà Nội là gì? Chắc chắn là không thể nào thiếu được những cốt cách của người Thăng Long - Hà Nội: Hào hoa, thanh lịch, nhân văn, nghĩa tình, kín đáo, vì cộng động, yêu nước... Đó là những giá trị bất biến cả nghìn năm nay.

Thế còn những cái mới mà chúng ta hướng đến là gì? Có những phẩm chất đương nhiên phải có như tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật. Rồi chúng ta phải bổ sung những yếu tố mới về cách ứng xử trong một xã hội đang phát triển như thế này với những vấn đề mang tính toàn cầu, như ý thức bảo vệ môi trường hay thái độ ứng xử trong môi trường mạng xã hội, môi trường số... “Mã định danh” người Hà Nội dứt khoát phải tiến tới hình thành công dân số.

Và một yếu tố rất quan trọng, cần thiết mà chúng ta rất mong muốn, được đề cập cả trong các nghị quyết của Trung ương, đó là làm thế nào phải nhân lên được, khơi dậy, động viên được khát vọng phát triển, khát vọng được cống hiến, được đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong mỗi người Hà Nội. Đó là những đặc trưng mới của văn hóa Hà Nội.

- Quan điểm về “mã định danh” người Hà Nội thanh lịch, văn minh như vậy có thể thấy là rất khoa học, bảo đảm cả thực tiễn và lý luận. Thành phố có giải pháp gì để những giá trị phổ quát, tiến bộ đó được nhân rộng, thẩm thấu vào trong mỗi người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ, thưa đồng chí?

Chúng ta chưa thật sự bằng lòng với những kết quả đã làm được; nếu đi sâu vào từng lĩnh vực, từng phẩm chất cần có của người Hà Nội thì còn rất nhiều việc phải làm. Mà như tôi nói, phát triển văn hóa, xây dựng con người không thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai, mà phải kiên trì, bền bỉ. Chúng ta tin tưởng và có cơ sở để tin tưởng rằng, xu hướng chung, giá trị chung của ngàn đời nay thì bao giờ những cái đẹp cũng sẽ được tôn vinh. Những cái xấu có thể xuất hiện, phát triển ở một giai đoạn nhất định nào đó, nhưng tất yếu sẽ bị đào thải. Bởi vì hình thành nên văn hóa, con người là quá trình tiếp biến, đào thải.

Và điều quan trọng nhất là nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của mỗi một người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô, ở đây tôi không dùng từ “người dân Hà Nội”. Tại sao có câu chuyện bây giờ, ở các vùng nông thôn, làng xã Hà Nội thì những hương ước, quy ước cổ được phục hồi và phát huy rất tích cực? Chúng ta có rất nhiều vùng quê thanh bình, văn minh, mà ở đó, các phong tục, tập quán được phục hồi, ý thức của người dân được nâng lên, đặc biệt là người dân tự hào với mảnh đất quê hương mình. Nhưng ngược lại, ở trong khu vực đô thị, nhất là khu vực lõi, tính tự giác, tự nguyện của người dân ít được thể hiện hơn, phải dùng nhiều đến các công cụ quản lý hành chính để điều chỉnh hành vi. Đây là vấn đề không riêng Hà Nội, mà tất cả các đô thị lớn trên thế giới đều gặp phải.

Do đó, không có cách nào khác là một mặt phải tuyên truyền, vận động, mặt thứ hai là phải sử dụng các công cụ hành chính để giải quyết đạt hiệu quả. Nếu chỉ áp dụng một trong hai nhóm biện pháp đó thì đều không ổn, đặc biệt, trong việc xây dựng văn hóa, nhất là liên quan đến lối sống, chúng ta phải tuyệt đối tránh dân túy, cực đoan, hoài cổ hay sùng bái nước ngoài. Đây là bài toán rất khó, nhưng phải làm, và chúng ta vẫn đang làm, kiên trì, từng bước chắc chắn.

Chúng ta phải huy động sự vào cuộc của cả nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội. Hà Nội có nhiều mô hình hiệu quả trong phát triển văn hóa, con người, như việc tang đã có sự chuyển biến lớn, nhiều nơi đưa vào hương ước, quy ước, trở thành ý chí cộng đồng, rất văn minh. Bây giờ, chúng ta cần hướng sang xây dựng những mô hình tương tự ở các lĩnh vực khác như vệ sinh môi trường, tham gia giao thông, phòng cháy, chữa cháy... Chúng ta phải dựa vào cộng đồng, phải tìm ra các mô hình, phổ biến cách thức tổ chức để nhân lên.

Công tác thi đua cũng phải đổi mới, nhất là trong phát hiện nhân tố mới, xây dựng các điển hình, phát động các phong trào… Phải tạo ra được những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” thời đại mới; khơi dậy sự hăng hái tham gia của quảng đại quần chúng, không để ai đứng ngoài cuộc, ai đứng ngoài sẽ cảm thấy lạc lõng.

- Với Chỉ thị số 30-CT/TU và gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, có thể nói, thành phố có đủ công cụ để đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhưng dường như các địa phương chưa thực sự ráo riết với việc này, thưa đồng chí?

- Chính xác là chúng ta chưa có sự quan tâm một cách đồng đều. Có những nơi làm rất tốt như huyện Đan Phượng, huyện Đông Anh, nhưng cũng có những quận, huyện chưa dành sự quan tâm xứng đáng cho nhiệm vụ này. Đây là điều sắp tới thành phố sẽ phải đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát để đánh giá và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, truyền thống văn hiến đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn. Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, là điểm tựa quan trọng trong việc ổn định chính trị, bảo vệ an ninh đất nước và xây dựng mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác”. - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 9-8-2024

“Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa, con người Hà Nội thực sự là nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững, bảo đảm mọi thành quả của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô đều hướng đến hạnh phúc, ấm no của người dân, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển”. - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 9-8-2024.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-ma-dinh-danh-nguoi-ha-noi-bai-cuoi-viet-tiep-ky-tich-675712.html