Tạo mặt bằng lãi suất hợp lý hơn

Tính đến ngày 20-4-2023, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số được đưa ra trong hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức vào chiều qua (25-4).

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp

Theo Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú, năm 2022 và đầu năm 2023 vừa qua, nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn cao; rủi ro bất ổn tài chính khi một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu khó khăn, đóng cửa; sự kiện tại ngân hàng SCB ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp nhiều khó khăn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp...

Bối cảnh đó đặt ra nhiều sức ép và thách thức đan xen đối với hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng. Một mặt, cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do 3 động lực tăng trưởng suy yếu (gồm cầu đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh; cầu tiêu dùng giảm và giải ngân đầu tư công chậm), ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung hạn, dài hạn cho nền kinh tế, áp lực vốn đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục ở mức cao, nhất là vốn cho lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng...

 Cần tạo mặt bằng lãi suất hợp lý hơn. Ảnh minh họa: vtv.vn

Cần tạo mặt bằng lãi suất hợp lý hơn. Ảnh minh họa: vtv.vn

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, tăng trưởng tín dụng hầu hết khu vực giảm so với đầu năm (chỉ có Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ tăng). Nguyên nhân giảm không phải do chính sách mà do sức hấp thụ của nền kinh tế. Agribank đã tổ chức hội nghị tín dụng và đưa ra các giải pháp tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Khách hàng của Agribank chủ yếu là khu vực nông thôn nên có tính mùa vụ. Ngân hàng cũng đang tích cực tham gia các chương trình tín dụng như triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản (đến nay đã có 2 dự án để cho vay); thực hiện cơ cấu nợ...

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc, Phụ trách Ban Điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, bản chất của tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Hiện nay, một số doanh nghiệp được ngân hàng cấp vốn cũng không làm gì được vì các đơn hàng không có. Hai thị trường lớn của nước ta về xuất khẩu là Mỹ và châu Âu cũng đang bị hạn chế nên các doanh nghiệp chưa biết trong tương lai sẽ thế nào. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN có độ mạnh rất lớn để giải quyết bài toán hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, các doanh nghiệp được lợi lớn, còn áp lực thì đổ về phía ngân hàng. Nguyên do là ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng phải chịu áp lực về mặt tài chính, sức ép từ cổ đông, bảo đảm đời sống, thu nhập cho nhân viên...

Chia sẻ về hỗ trợ tín dụng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, triển khai các chỉ đạo của NHNN Việt Nam, chúng tôi luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất huy động đã giảm 0,5-2% so với đầu năm 2023. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, BIDV đang tích cực triển khai. Tuy nhiên đang chờ phía Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay. Thời gian qua, những thủ tục pháp lý đặc biệt liên quan đến bất động sản tương đối chậm, do đó cần thời gian để triển khai. Hiện tại, các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng những dự án đều vướng mắc, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thời gian qua.

Giảm áp lực trả nợ cho khách hàng

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) nhận định: “Đối với những chính sách của NHNN Việt Nam hiện nay như thanh khoản, các chính sách hỗ trợ không vướng mắc gì, nhưng tại sao tín dụng lại tăng trưởng còn thấp. Chúng tôi đánh giá là do nhu cầu của kinh tế Việt Nam, hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4-2023 không cao. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. Về phía ngành ngân hàng đang bảo đảm thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được những điều kiện tín dụng”.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Việt Nam cho biết, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: Doanh thu, thu nhập sụt giảm... Mục đích ban hành thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông tư sẽ được triển khai từ ngày 24-4-2023 đến hết ngày 30-6-2024. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, hiện nay, nhiều ngân hàng chuyển hướng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay kinh tế tư nhân, đi vào thị trường bán lẻ, đưa các gói ưu đãi, điều kiện, lãi suất... là những biện pháp tích cực. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn còn cao, làm thế nào để có mức lãi suất hợp lý hơn. Trong bối cảnh khó khăn thì ngành ngân hàng cũng bị tác động, do đó, các ngân hàng thương mại cần chủ động đề xuất những khó khăn, kiến nghị địa phương và NHNN Việt Nam để hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc. Thời gian tới, các tổ chức tín dụng tiếp tục hướng dòng vốn vào lĩnh vực tăng trưởng, ưu tiên theo định hướng Chính phủ, tạo điều kiện tiếp cận vốn nhưng không hạ chuẩn tín dụng.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-mat-bang-lai-suat-hop-ly-hon-726231