Tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc
Trước diễn biến bất thường của dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, dại... việc tiêm vắc xin, tạo ra hệ miễn dịch chủ động cho vật nuôi là giải pháp tối ưu nhất.
Gia đình ông Hà Kim Một, thôn An Vượng, xã Tân An (Chiêm Hóa) chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn nhiều năm nay. Để đàn gia súc phát triển tốt, ông Một tuân thủ đúng lịch tiêm phòng, 1 năm 2 kỳ vào tháng 3 và tháng 9. Mỗi con trâu, bò được tiêm đủ 6 mũi vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng. Ông Một cho biết, thời điểm tiêm phòng nếu gia súc chửa, sức khỏe không đảm bảo để tiêm sẽ được ghi lại để tiêm bổ sung sau đó. Ngoài tiêm đúng, đủ các loại vắc xin, ông cũng thực hiện tẩy ký sinh trùng và bảo đảm chế độ ăn, uống đầy đủ dưỡng chất nên đàn gia súc của gia đình luôn khỏe mạnh, không bị nhiễm dịch bệnh.
Trang trại chăn nuôi lợn VietGAP của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) với quy mô 500 con/lứa luôn vượt qua những “cơn bão” dịch bệnh một cách an toàn nhất. Chia sẻ bí quyết, anh Cường cho biết, ngay khi lợn sinh ra từ 7 - 40 ngày anh trích đủ 6 loại vắc xin phòng bệnh hen suyễn, còi cọc, da liễu, tai xanh, tả, lở mồm long móng. Anh Cường khẳng định, trích vắc xin khi vật nuôi còn non sẽ tạo hệ miễn dịch chủ động rất tốt giúp vật nuôi kháng được hầu hết các bệnh nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhấn mạnh, tạo hệ miễn dịch chủ động cho vật nuôi bằng biện pháp tiêm phòng luôn được ngành đánh giá rất cao và khuyến khích người chăn nuôi thực hiện. Để hỗ trợ người chăn nuôi, hàng năm chi cục triển khai 2 vụ tiêm phòng là vụ xuân hè và thu đông, trong đó thực hiện Tháng cao điểm huy động nhân lực, phương tiện để thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Hàng năm, tỷ lệ đàn gia súc được tiêm đủ các loại vắc xin phòng chống bệnh nguy hiểm đạt trên 70%. Đây là lý do nhiều năm qua, tỉnh ta đã kiểm soát được các bệnh dịch nguy hiểm trên đàn gia súc.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số người chăn nuôi vẫn chưa ý thức được tác dụng tích cực của việc tạo hệ miễn dịch chủ động cho vật nuôi bằng việc thực hiện tiêm vắc xin. Chị Hoàng Thị Lan Anh, nhân viên thú y xã Hùng Đức (Hàm Yên) chia sẻ, năm 2019 tỉnh không duy trì hỗ trợ vắc xin tiêm phòng diện rộng mà thu hẹp đối tượng được hỗ trợ. Tức là chỉ hộ chăn nuôi ở khu vực khó khăn nhận được hỗ trợ thì tỷ lệ tiêm phòng giảm hẳn. Theo chị Anh, bà con chỉ chọn tiêm những bệnh thường xảy ra còn lại một số bệnh thường bị bỏ qua như lở mồm long móng, tai xanh, trong khi mỗi mũi vắc xin tiêm cho gia súc, bao gồm cả công tiêm mới có 21 nghìn đồng/con. Không được trích ngừa vắc xin nên cuối năm 2019 vừa qua, đàn gia súc của một số hộ dân ở thôn 700 đã bị nhiễm bệnh.
Nhằm kiểm soát, tiến tới thanh toán một số dịch bệnh, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng, tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; duy trì chế độ ăn đủ các thành phần chất thô xanh, tinh bột, vitamin để tăng sức đề kháng, tạo hệ miễn dịch chủ động phòng, chống dịch bệnh.