Theo các học giả Hồi giáo, tảo mộ không phải là điều bắt buộc mà các tín đồ phải làm trước, trong hoặc sau tháng lễ Ramadan. Nhưng các tín đồ được khuyến nghị đến nghĩa trang bởi điều này nhắc nhở họ về cái chết, về cuộc sống không trường tồn. Viếng mộ còn là hình thức thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà, cha mẹ đã mất. Trải qua một quá trình lịch sử với sự giao thoa các tôn giáo như Phật giáo và Ấn Độ giáo, viếng mộ dịp lễ Ramadan cũng trở thành truyền thống của người Indonesia, nhất là người trên đảo Java.
Những ngày trước khi tháng lễ Ramadan chính thức bắt đầu, trước cửa các nghĩa trang lớn ở Jakarta thường ùn tắc giao thông.
Người Hồi giáo dùng xe máy, ô tô đến nghĩa trang và đi theo nhóm, trong đó có cả trẻ em. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Trước cửa ”Karet Bivak TPU” – nghĩa trang lớn thứ hai ở Thủ đô Jakarta là những quầy bán hoa, nước thơm lau rửa mộ phần.
Mỗi phần hoa, nước thơm được bán với giá khoảng 20.000 rupiah (khoảng hơn 30.000 đồng).
Nhiều đại gia đình với các thế hệ người già, người trẻ đổ tới nghĩa trang “Karet Bivak TPU” hôm 22/3 - một ngày trước khi tháng Ramadan bắt đầu - để tu sửa, dọn dẹp mộ phần người thân.
Viếng mộ trong tiếng Indonesia có thể coi là thực hành một “ziarah” (hành hương). Trong nghi lễ “ziarah”, các gia đình thường tập trung xung quanh mộ của người thân quá cố để gửi lời cầu nguyện, tưởng nhớ. Họ rắc những cánh hoa lên phần mộ người thân.
Người đàn ông Hồi giáo bán bánh Kerat Telor (trộn gạo và trứng) với giá 25.000 rupiah/chiếc (gần 40.000 đồng).
Nghĩa trang ở Thủ đô Jakarta khá sạch sẽ như một “công viên nghĩa trang”. Tại đây người ta bán những chiếc mũ Hồi giáo, bóng bay cho trẻ em và cả những thức ăn truyền thống trước thời điểm “fasting” (nhịn ăn) từ ngày 23/3.
Cùng với việc dọn dẹp nghĩa trang dịp lễ Ramadan, người Hồi giáo cũng giữ không gian Thánh đường luôn sạch sẽ. Bắt đầu từ hôm nay (23/3), hàng trăm triệu tín đồ Hồi giáo Indonesia bước vào tháng ăn chay. Tháng Ramadan là thời gian để người Hồi giáo tu sửa bản thân, vun đắp tình cảm với gia đình và cộng đồng, hướng tới các giá trị tốt đẹp như hòa bình hay tình đoàn kết, và quan trọng nhất là cầu xin sự khoan dung và che chở của Đấng Allah. Họ không ăn, không uống, không hút thuốc từ khi mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Việc nhịn ăn nhằm đưa các tín đồ đến gần với Đấng Allah hơn và nhắc nhở họ chia sẻ khổ đau, lòng trắc ẩn với những số phận bất hạnh, từ đó các tín đồ sẽ khiêm tốn và bao dung hơn./.
Võ Giang/VOV-Jakarta