Tạo mọi điều kiện cho trẻ em dân tộc miền núi trong năm học mới 2024-2025
Các trường học ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cơ bản đủ giáo viên cho năm học 2024-2025 trong khi huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày khai giảng. Các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh dân tộc miền núi đã sẵn sàng bước vào năm học mới.
Sẵn sàng cho năm học mới
Là một huyện miền núi vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam, nhưng bằng sự cố gắng và quan tâm của chính quyền các cấp, cũng như sự chung tay của cộng đồng, đến nay, tất cả trường, lớp của huyện Nam Trà My đã sẵn sàng cho năm học 2024-2025.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My, 29 trường học của huyện hiện có 373 lớp học với 10.050 học sinh, trong đó, cấp học Mầm non có 106 lớp với 623 học sinh; Tiểu học có 185 lớp với 4.484 học sinh; Trung học cơ sở có 82 lớp với 2.943 học sinh.
Hiện, cả huyện có 11/29 trường học đạt chuẩn quốc gia gồm các trường Mầm non Hoa Mai (xã Trà Mai), Mẫu giáo Trà Leng (xã Trà Leng), Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Vừ A Dính (xã Trà Don)…
Hầu hết học sinh các cấp trên địa bàn huyện (97%) đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số ít người: Ca Dong, Xê Đăng, M Nông, Co…, điều kiện kinh tế của gia đình các em rất khó khăn, việc vận động gia đình để các em được đến trường là cả một nỗ lực lớn của chính quyền và các hội, đoàn thể các cấp.
Để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh đến lớp tiếp thu kiến thức, rèn luyện đạo đức, thời gian qua, 100% trường học trên địa bàn huyện đã huy động mọi nguồn lực, phối hợp với các lực lượng thanh niên, phụ nữ,… tiến hành sửa chữa, tân trang, làm mới, vệ sinh khuôn viên hệ thống trường, lớp, bàn, ghế, trang thiết bị giảng dạy, sẵn sàng cho ngày khai giảng.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, của xã hội, đến nay hệ thống trường, lớp học của huyện miền núi Nam Trà My hầu hết đã được kiên cố hóa, ngoại trừ một số điểm trường lẻ xa trung tâm, chưa có hệ thống đường giao thông để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, còn phải học trong các lớp học dựng bằng gỗ.
Huyện Nam Trà My thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu giáo viên do nhiều nguyên nhân: số lượng giáo viên nghỉ hưu trước tuổi ngày càng tăng; số giáo viên xin nghỉ dạy để chuyển sang công việc khác vì chế độ chính sách không đảm bảo ngày càng có xu hướng tăng; lượng giáo viên xin chuyển trường về đồng bằng công tác để gần với gia đình hơn ngày càng nhiều, trong khi lượng giáo viên thi tuyển giảng dạy tại huyện ngày một giảm do ngại đi xa.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My Nguyễn Đăng Thuận chia sẻ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong nhiều năm qua của huyện Nam Trà My, Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách hợp lý, đảm bảo đời sống cho giáo viên và gia đình khi đến công tác tại huyện Nam Trà My.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong các năm học, thời gian qua, huyện Nam Trà My đã đẩy mạnh các giải pháp hết sức cụ thể: cho học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt loại Giỏi của huyện đi học cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong và ngoài tỉnh; tuyển dụng viên chức; tiếp nhận một số giáo viên ở các huyện khác có nhu cầu chuyển về công tác tại huyện.
Đặc biệt, nhờ sự linh động của chính quyền huyện Nam Trà My cũng như của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, năm nay, nỗi lo thiếu giáo viên "cố hữu" của huyện đã cơ bản được tháo gỡ.
Cụ thể, căn cứ vào lượng giáo viên được tỉnh biên chế cho huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường học thiếu giáo viên, căn cứ vào số lớp, số học sinh, để ký hợp đồng với các giáo viên về dạy.
Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, tất cả các trường học trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My đã cơ bản đủ giáo viên cho năm học 2024-2025.
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số vùng biên
Năm học 2024-2025, huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) có 1.794 học sinh vào lớp 1, trong đó có 815 học sinh dân tộc thiểu số.
Tính từ đầu tháng 8 đến nay, chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã giúp các em mạnh dạn hòa nhập tốt hơn trước khi vào học lớp 1.
Bù Gia Mập một trong những huyện của tỉnh Bình Phước đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm khoảng 36%, vì thế chương trình tăng cường tiếng Việt là giải pháp nhằm giúp các em học sinh dân tộc thiểu số làm quen với các phương pháp dạy học, sách, vở, chữ viết… trước khi bước vào lớp 1.
Tại trường tiểu học Đa Kia C (xã Đa Kia) là một trong những trường 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm học 2024-2025 này trường sẽ đón tiếp 56 em vào lớp 1. Khoảng 3 tuần nay, cô Văn Thị Sang cùng đồng nghiệp tích cực giúp các em làm quen nhằm hòa với môi trường học mới.
Cô Văn Thị Sang, giáo viên trường Tiểu học Đa Kia C chia sẻ hầu hết các em ở đây thành thạo giao tiếp bằng tiếng Việt rất ít. Do các em ở với gia đình chủ yếu sử dụng mẹ đẻ nên hiểu tiếng Việt rất hạn chế. Sau 3 tuần dạy, cô thấy các em cũng tiến bộ hơn và nói học sinh cũng hiểu biết nhiều hơn.
Từ khi triển khai chương trình tăng cường tiếng Việt tại trường Tiểu học Đa Kia C, theo đánh giá của các giáo viên đã mang lại hiệu quả tích cực. “Tôi thấy chương trình tăng cường tiếng Việt cho các em rất cần thiết. Trong thời gian hè, các em sẽ được trang bị một số nội dung để giảm áp lực cho giáo viên chủ nhiệm khi bắt đầu năm học mới vào lớp 1,” cô Văn Thị Sang chia sẻ thêm.
Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đa Kia C Nguyễn Thị Điểu cho biết người dân ở vùng này đa số là dân tộc S’tiêng nên trong gia đình các em nói tiếng mẹ đẻ rất nhiều. "Thời gian qua, nhờ có lớp tăng cường dạy tiếng Việt đã giúp các em sẽ nắm được tiếng Việt và biết các giao tiếp đơn giản nhất. Tôi rất mong là chương trình dạy và học tiếng Việt này duy trì để cho các em có được những cái cơ bản nhất để bước vào lớp 1."
Còn tại trường Tiểu học Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa) năm nay có 60 em học sinh dân tộc thiểu số trong tổng 160 em chuẩn bị vào lớp 1. Trong những năm qua, lớp tăng cường tiếng Việt có nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em trong cả năm học.
Cô Kiều Thị Loan, giáo viên trường Tiểu học Phú Nghĩa cho biết những em không đi tham gia lớp tăng cường tiếng Việt sẽ tiếp thu chậm khi vào học chính thức. Trong quá trình mà vào học chính thức, các em phát triển rất chậm do chưa biết rõ tiếng Việt.
Theo cô Kiều Thị Loan, các em học sinh dân tộc thiểu số tại địa phương hầu như ở nhà đều sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình nên môi trường giao tiếp tiếng Việt không hề có. Vì vậy, vốn từ tiếng Việt của các em rất ít, khả năng giao tiếp với cô hạn chế. Với lớp tăng cường tiếng việt này đã giúp cho các em mạnh dạn hơn trước khi vào học chính thức.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bù Gia Mập Lê Văn Công cho biết chương trình tăng cường tiếng Việt mang lại hiệu quả đối với các em vùng sâu vùng xa, các trường mà có học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đông. Lớp học tạo môi trường giao lưu tiếng Việt rất hữu ích cho các em.
Việc tăng cường dạy môn tiếng Việt trước khi vào lớp 1 giúp các em nhận được mặt chữ và con chữ. Khi học sang môn khác, các em không còn bỡ ngỡ về môn Tiếng Việt nữa. Các em biết đọc, biết viết sẽ nâng cao chất lượng dạy và học cho học.
Vừa qua, chương trình tăng cường tiếng Việt đã tạo môi trường học mới cho các em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường Tiếng Việt không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với giáo dục.
Tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HĐND, ngày 4/7/2024 quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.