Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.
Đầu tư khởi nghiệp đạt hơn 300 triệu USD
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam 2020) với chủ đề “Thích ứng – Chuyển đổi – Bứt phá” vừa khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
2019 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam khi chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Tuy vậy, các doanh nghiệp start-up Việt đã gặp phải không ít những trở ngại trong năm 2020.
Mặc dù phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do Covid-19, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2020 ước đạt hơn 310 triệu đô la. Việt Nam cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của start-up kỳ lân thứ hai là VNPAY với định giá trên 1 tỷ USD cùng khoảng 10 doanh nghiệp quy mô 100 triệu USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong năm 2020, nhờ kinh tế vĩ mô và tình hình tài khóa ổn định, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư hướng đến.
Tại Việt Nam đang dần hình thành và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp. Để hệ sinh thái này phát triển đột phá, Việt Nam cần đến sự chung tay hợp tác, đổi mới sáng tạo từ cách làm đến tư duy, phát triển nguồn nhân lực, và tạo ra môi trường cạnh tranh phù hợp.
Do đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng cần tập trung phát triển, liên kết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, từ đó khuyến khích và đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, cần khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm sẵn có của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, không thể không nhắc tới việc hình thành những nền tảng, không gian kết nối mới.
Hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ có thể lớn mạnh nhờ việc thúc đẩy và phát triển nguồn lực con người thông qua hệ thống cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo, nghề nghiệp,... Những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ là nguồn lực trí tuệ quan trọng nhằm phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp mang tầm cỡ quốc gia.
Xem việc hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Ngay sau Lễ khai mạc, Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020 với chủ đề “Cùng đất nước vượt qua thách thức” đã diễn ra.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với các thanh niên khởi nghiệp về 4 nhóm vấn đề gồm: Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp - thực trạng và giải pháp hoàn thiện.
Đại diện các start-up đã nêu những điểm hạn chế của Nghị định 38 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Theo anh Nguyễn Đức Trung đến từ quỹ đầu tư VinaVenture, những hạn chế này bao gồm quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập, chỉ được phép đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp start-up. Theo anh Trung, đây là những điểm chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các start-up.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, sau một thời gian được triển khai, Nghị định 38 về hướng dẫn Luật Đầu tư đến nay đã phát sinh nhiều điểm không phù hợp. Những quy định này đôi khi cứng nhắc và trở thành rào cản cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Do vậy, Bộ KH&CN đang bàn bạc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư để sửa đổi Nghị định này.
Anh Phan Bá Mạnh, nhà sáng lập công ty công nghệ vận tải An Vui nhận định, nhiều start-up phải mở công ty ở nước ngoài dẫn đến tình trạng "chảy máu" chất xám. Chính vì vậy, vị doanh nhân trẻ này đặt vấn đề phải chăng môi trường đầu tư tại Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn?
Trước rất nhiều câu hỏi của các start-up, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã tăng lên, thế nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại, đặc biệt là về nguồn vốn.
Tuy vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu như cách đây 2 năm, khi tìm kiếm từ khóa “khởi nghiệp”, chỉ có 13,4 triệu bài viết liên quan thì cho đến nay, con số này đã là 20,7 triệu. Điều đó cho thấy không khí của tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ. Tại Việt Nam, khởi nghiệp là không có ranh giới và giới hạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có một điều đáng buồn là nhiều ý tưởng, kết quả từ các cuộc thi khởi nghiệp chưa được quan tâm, triển khai trong thực tiễn. Một số ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp còn mang tính phong trào, chạy theo số lượng mà chưa chú trọng thích đáng đến chất lượng, thiếu sự gắn kết giữa ý tưởng với doanh nghiệp.
“Chúng ta chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh để thúc đẩy, nuôi dưỡng khởi nghiệp. Các bạn trẻ vẫn đang phải tự loay hoay, tự thân vận động với những khó khăn, vướng mắc về vốn, kinh nghiệm, kỹ năng quản trị-điều hành…”, Thủ tướng chia sẻ.
Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Các bộ, các địa phương cũng phải thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, cung cấp các định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc khởi nghiệp có thành công được hay không phải phụ thuộc vào chính bản thân các start-up.