Tạo môi trường đầu tư an toàn cho doanh nghiệp phát triển
Dù môi trường kinh doanh đã có bước cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư an toàn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng: Năm 2019, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.575 doanh nghiệp, hơn 645 chi nhánh, văn phòng đại diện, tổng số vốn đăng ký trên 34.927 tỷ đồng; trong đó có 2.931 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm khoảng 81,2%), 644 doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng, bỏ địa chỉ, chờ giải thể (chiếm khoảng 18,8%). Hộ kinh doanh cá thể thành lập mới 416 hộ, tính hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 37.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động. Hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 570 dự án, trong đó 39 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 573,2 triệu USD, đăng ký sử dụng khoảng 425 ha đất; 531 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 69.369 tỷ đồng, đăng ký sử dụng khoảng 37.567 ha đất. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh. Năm 2019, có 400 doanh nghiệp và 234 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký thành lập mới với tổng số vốn khoảng 8.492,9 tỷ đồng; so với năm 2018, về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 12%, về vốn đăng ký tăng 25,4%; thu hồi 43 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và 68 đơn vị trực thuộc; 127 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 102 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại; 29 doanh nghiệp giải thể tự nguyện.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó cho rằng: môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế; công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng còn chậm, thủ tục rườm rà, kéo dài, dẫn đến doanh nghiệp bị lỡ cơ hội đầu tư; công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng khó khăn và mất nhiều thời gian; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng; vẫn còn tình trạng thanh tra chồng chéo... Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP 26/3 Hòa Bình cho biết: Tỉnh cần đổi mới trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng, môi trường, khắc phục xin ý kiến một cách thủ công như hiện nay làm kéo dài thời gian làm thủ tục đầu tư. Đại diện Công ty May Hồ Gươm cho rằng: Môi trường kinh doanh của tỉnh đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Cùng thời gian triển khai công ty đã khai trương dự án tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), song dự án ở Hòa Bình tiến độ triển khai chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư xây dựng...
Tại các buổi tiếp xúc, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các giải pháp cụ thể, cải thiện môi trường kinh doanh, không vô cảm với khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, ít rủi ro cho doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm làm ăn và phát triển.
Năm 2020, tỉnh đặt chỉ tiêu: đăng ký thành lập mới 550 doanh nghiệp, HTX (500 doanh nghiệp, 50 HTX); số doanh nghiệp, HTX thành lập, hoạt động có hiệu quả tăng 200% so với năm 2015. Để thực hiện chỉ tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc cải thiện môi trường kinh doanh; thường xuyên tổ chức đối thoại và chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, HTX, thủ tục gia nhập thị trường. Thực hiện các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tăng tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trên địa bàn. Các doanh nghiệp, HTX chủ động rà soát, tái cơ cấu bộ máy quản lý, vốn đầu tư, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; nâng cao trình độ, năng lực quản trị doanh nghiệp, chủ động thực hiện tiết kiệm, quản lý tốt các khâu SX-KD, tiêu thụ sản phẩm. Tạo chuỗi liên kết, sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động để giảm chi phí kinh doanh cùng vượt qua khó khăn. Đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI: số doanh nghiệp, HTX hoạt động có hiệu quả tăng gấp 2 lần so với năm 2015.