Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định việc triển khai hệ thống sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Ngày 21/11, Tổng cục Thuế tổ chức trực tuyến lễ công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử. Đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mà đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng, Chính phủ đã luôn hết sức quan tâm, coi trọng việc phát triển, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số quốc gia.
"Chúng ta đang bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đã luôn chú trọng, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số, từng bước hình thành nền tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.
Tinh thần đó đã thể hiện qua việc xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các giao dịch điện tử, giao dịch số trên môi trường mạng; xây dựng các nền tảng phát triển tài chính điện tử hướng tới tài chính số (gồm nền tảng cơ sở dữ liệu tài chính, trong đó dữ liệu hóa đơn là hết sức quan trọng; Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành tài chính; Nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành tài chính; Nền tảng định danh và xác thực điện tử.
Ngoài ra, ngành tài chính cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Có thể kể đến một số ứng dụng công nghệ thông tin tiêu biểu như: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính; hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại; hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia; hệ thống kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.
Những nỗ lực, kết quả trong xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số trong suốt những năm vừa qua đã được đánh giá, ghi nhận bằng kết quả là 8 năm liên tiếp từ 2013 đến nay Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Những kết quả, thành tích đó của ngành tài chính trong những năm vừa qua có sự đóng góp rất lớn và hết sức quan trọng của ngành thuế. Việc hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng trong năm 2021 bởi những lợi ích to lớn của nó mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội.
"Bộ Tài chính tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành thuế và sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ thành công và đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội, tạo tiền đề tốt để ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: đây là sự kiện quan trọng, khẳng định những nỗ lực và kết quả rất quan trọng đã đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của Bộ Tài chính và của ngành thuế trong tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện từ theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4-7/2022, triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Đồng thời, ngành thuế cũng đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm quản lý thu và bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước, việc tổ chức công bố và kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử là kết quả của một quá trình phấn đấu với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, toàn ngành thuế và sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
"Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành tài chính, ngành thuế trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua. Đồng thời, chúng ta cũng chúc mừng những kết quả bước đầu mà ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đã đạt được để kích hoạt, đưa hệ thống hóa đơn điện tử vào hoạt động và phát huy hiệu quả", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính, ngành thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính-ngân sách nhà nước, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Lễ công bố hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022.
Tôi yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Tài chính, đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tăng cường quán triệt trong toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan trọng nhất là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.
Xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là phối hợp với ngành ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng.
Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn.
Tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp hiện nay, ngành tài chính, ngành thuế lại càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Với quan điểm chính sách tài chính cho phát triển, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, việc xây dựng hệ thống chỉ là bước đầu; điều quan trọng là vận hành và sử dụng hệ thống một cách hiệu quả. Đó mới thực sự là mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và kỳ vọng của toàn xã hội, của người dân, doanh nghiệp đối với ngành tài chính, ngành thuế - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết luận.