Tạo môi trường để thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí lành mạnh; vận động thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm về văn hóa dân gian trong trường học và cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho thanh niên… là cách làm của các cơ sở đoàn trong tỉnh để tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vừa qua, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức khởi công công trình Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Khángtại bản Pá Mồng Pá Pù, xã Nậm Giôn, huyện Mường La. Nhà văn hóa xây dựng theo hình thức nhà sàn truyền thống của dân tộc Kháng và các hạng mục phụ trợ: Cổng, hàng rào, kè đá, san tạo mặt bằng, điện chiếu sáng, khuôn viên bồn hoa, cây xanh… với tổng diện tích hơn 145 m², tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Khởi công công trình Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Kháng tại xã Nậm Giôn, huyện Mường La. cúp ảnh

Khởi công công trình Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Kháng tại xã Nậm Giôn, huyện Mường La. cúp ảnh

Anh Lò Văn Bổ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pá Mồng Pá Pù, chia sẻ: Việc xây dựng công trình sẽ tạo lập không gian sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, là nơi để đoàn viên, thanh niên dân tộc Kháng trên địa bàn xã sinh hoạt, gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Thành lập từ tháng 12/2020, hơn 4 năm qua, Câu lạc bộ yêu thích hát Thái, Trường THPT Tông Lệnh, huyện Thuận Châu luôn duy trì sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng. Không chỉ tạo môi trường để các em học sinh gắn kết, cùng tìm hiểu và tập luyện những làn điệu dân ca, dân vũ, thỏa mãn niềm đam mê văn nghệ mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.

Em Lò Thị Thu Thủy, thành viên CLB cho biết: Qua những buổi sinh hoạt, chúng em được các bạn hướng dẫn tỷ mỷ từng câu, từng lời “khắp”, hướng dẫn kỹ thuật lấy hơi, ngắt nghỉ trong các đoạn “khắp”, đến nay, em đã có thể trình bày được một số bài “khắp” đơn giản của dân tộc mình.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ yêu thích hát Thái, Trường THPT Tông Lệnh, huyện Thuận Châu.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ yêu thích hát Thái, Trường THPT Tông Lệnh, huyện Thuận Châu.

Trao đổi về nội dung này, anh Lò Mạnh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, thông tin: Tỉnh ta có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng. Phát huy những tiềm năng văn hóa, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn trong tỉnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa, giúp thanh niên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống. Tạo môi trường cho thế hệ trẻ tiếp thu, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống gắn với các giá trị văn hóa hiện đại, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Đến nay, toàn tỉnh có 200 đội văn nghệ xung kích của các đoàn xã, phường, thị trấn luôn phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và các lễ hội của địa phương. Các mô hình tiêu biểu như: Tuổi trẻ Sơn La - Giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc qua tác phẩm Vũ điệu kết đoàn; Thanh niên tình nguyện dạy tiếng Thái, chữ Thái cho thiếu nhi trên địa bàn huyện Yên Châu...

Đoàn viên, thanh niên Trường PTDT Nội trú tỉnh biểu diễn tiết mục múa dân gian của đồng bào Thái.

Đoàn viên, thanh niên Trường PTDT Nội trú tỉnh biểu diễn tiết mục múa dân gian của đồng bào Thái.

Các cơ sở đoàn trong tỉnh còn tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào các ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm của đất nước, của tỉnh như: Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng; tổ chức các trò chơi dân gian, tìm hiểu kiến thức về các nét đẹp văn hóa của tỉnh mỗi dịp Tết đến xuân về. Phối hợp mở các lớp tập huấn, truyền dạy cho các thế hệ thanh niên biết về những phong tục lễ hội truyền thống, những làn điệu dân ca, dân vũ...

Đồng thời, tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp theo hướng phát triển nghề truyền thống, sản phẩm địa phương, phát triển du lịch cộng đồng cho thanh thiếu niên. Qua các diễn đàn, đã hình thành nhiều ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống cho thanh niên. Nhiều bạn trẻ đã lập những kênh Tiktok, các fanpage dành riêng cho việc đăng tải những bài viết kèm hình ảnh, đoạn video giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa nơi mình sinh sống, gắn phát triển kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Dưới sự phát triển nhanh chóng của khoa học- công nghệ, các cơ sở đoàn trong tỉnh còn tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng và triển khai gắn mã QR-Code các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Đến nay, đã triển khai số hóa, gắn mã QR tại 17 điểm di tích tại các địa phương trong tỉnh.

Trong thời gian tới, các cơ sở đoàn trong tỉnh tiếp tục tổ chức các sân chơi, diễn đàn, các hoạt động, công trình, phần việc để thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Huy động nguồn lực hỗ trợ thanh niên thực hiện các dự án liên quan đến văn hóa để thanh niên có thể làm tốt và phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh con người, mảnh đất Sơn La thân thiện, giàu bản sắc.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/tao-moi-truong-de-the-he-tre-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-VCg2v2aNg.html