Tạo môi trường giáo dục bình đẳng giới
Tạo môi trường giáo dục bình đẳng giới là nội dung Hội nghị Tập huấn công tác bình đẳng giới trong GD-ĐT với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học và đơn vị thuộc Bộ.
Nhận thức của xã hội về bình đẳng giới được nâng cao
Chương trình này là hoạt động tập huấn thường niên của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ GD&ĐT nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, tăng cường thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, tiến tới tổng kết Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại hội nghị tập huấn, bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ GD&ĐT cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, hệ thống pháp luật, chính sách ngày càng hoàn thiện, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới từng bước được nâng cao.
Bộ GD&ĐT đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị trong việc chỉ đạo công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ở đâu có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo, cấp ủy đảng, có chính sách cụ thể, có cán bộ tham mưu tâm huyết, nhiệt tình, ở đó công tác bình đẳng giới đạt hiệu quả, chất lượng, thiết thực.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Bộ GD&ĐT đã trao đổi những nội dung liên quan đến hoạt động của Ban, công tác kiểm tra giám sát, chế độ thông tin báo cáo và những giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác này.
Các đại biểu cũng được hướng dẫn công tác chuẩn bị cho việc đánh giá tổng kết giai đoạn 2015-2020, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, và thống nhất hoàn thành tổng kết của các đơn vị vào tháng 12/2020.
Với phương pháp làm việc nhóm và tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hiệu quả. Qua thảo luận, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động bình đẳng giới thực chất, hiệu quả, tiến tới hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020.
Môi trường dạy học tôn trọng giá trị về bình đẳng giới
Trong phần lớn thời lượng tập huấn, toàn thể đại biểu đã lắng nghe, thảo luận, đóng góp nhiều nội dung quan trọng dưới sự điều phối của Ban tổ chức và chuyên gia về giới Phạm Thu Hiền, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia.
Tiếp cận từ bình đẳng giới thực chất và những thách thức trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay, bà Hiền đã cùng các đại biểu đề cập và phân tích về bình đẳng giới trong GD-ĐT; phân tích giới và lồng ghép giới trong hoạt động ở các trường đại học; bạo lực đối với phụ nữ và nữ sinh. Từ đó, hướng tới xây dựng môi trường học tập và làm việc an toàn, bình đẳng, không có bạo lực.
Chuyên gia Phạm Thu Hiền nhấn mạnh: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau của sự phát triển đó.
Từ trao đổi về hàng loạt thách thức và hạn chế trong thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, bà Hiền cho rằng, bình đẳng giới trong GD-ĐT cần cách tiếp cận toàn diện, từ môi trường dạy học, sách giáo khoa, chương trình, đến đội ngũ giáo viên, quản lý, chính sách, chế độ, quy định,…
Chuyên gia đánh giá, với nỗ lực của Chính phủ và ngành Giáo dục, đến nay, Việt Nam về cơ bản đã xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục ở các cấp học; khoảng cách học vấn giữa phụ nữ và nam giới ngày càng được thu hẹp; tỷ lệ biết chữ cao; chất lượng giáo dục được cả thiện và đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và chất lượng giáo dục vẫn tồn tại giữa các nhóm dân tộc và giữa các khu vực địa lý; khuôn mẫu giới vẫn còn. Do đó, chuyên gia đề nghị, công tác thống kê cần chú trọng đảm bảo tất cả các số liệu liên quan đến con người có tách biệt theo giới tính và chi tiết đối với tất cả các biến như dân tộc, trình độ, vị trí, chức danh...
Đối với môi trường dạy học, cơ sở vật chất phải đảm bảo sự thân thiện, dễ tiếp cận đối với cả nam, nữ và người khuyết tật. Môi trường dạy học phải thân thiện, tôn trọng giá trị về bình đẳng giới, mọi học sinh đều được khuyến khích học tập, sáng tạo bình đẳng.
Về đội ngũ, trong ngành Giáo dục, tỷ lệ lao động nữ 76,2%. Chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy hiệu quả công tác bình đẳng giới, cần xem xét tác động của chính sách đến phụ nữ và nam giới. Trong đó, một phần quan trọng là phân tích, xem xét, tìm hiểu về thực trạng, mối tương quan, sự khác biệt giữa nam và nữ, nhu cầu và ưu tiên của họ trong một lĩnh vực cụ thể.
Đồng thời, cần coi trọng lồng ghép giới, bởi đây là biện pháp chiến lược để đạt bình đẳng giới trên phạm vi toàn xã hội, bằng cách đưa yếu tố giới vào mọi thiết chế cũng như các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/tao-moi-truong-giao-duc-binh-dang-gioi-0kbISCtMR.html