Tạo môi trường hành nghề công chứng minh bạch, hiệu quả
Công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất đang chiếm tỷ lệ hơn 70% số việc công chứng. Việc này không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch mà còn góp phần quan trọng tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh.
Tuy nhiên, việc thành lập và phân bổ văn phòng công chứng tại một số địa bàn chưa phù hợp với nhu cầu. Công tác thanh, kiểm tra tuy đã được tăng cường nhưng chưa theo kịp với sự phát triển của hoạt động công chứng… Vì vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công chứng là yêu cầu từ thực tiễn.
Tồn tại nhiều bất cập
Số liệu Bộ Tư pháp công bố đầu tháng 8 năm 2023 cho thấy, cả nước có 3.220 công chứng viên hành nghề tại 1.368 phòng công chứng và văn phòng công chứng. So với thời điểm triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014, số công chứng viên đã tăng lên hơn 2 lần. Số lượng văn phòng công chứng tại một số địa phương tăng đáng kể so với giai đoạn còn quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thông tin, qua kiểm tra, công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất chiếm tỷ lệ hơn 70% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng. Việc này góp phần đáng kể trong việc hạn chế các tranh chấp phát sinh. Hoạt động công chứng ngày càng được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. “Sứ mệnh” của công chứng là “con mắt” thứ ba được xã hội công nhận.
Tuy nhiên, việc thành lập và phân bổ văn phòng công chứng tại một số địa bàn chưa phù hợp với nhu cầu. Tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể để yêu cầu công chứng và tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nhiều nơi chưa có hệ thống liên kết để tham khảo thông tin người yêu cầu công chứng về nhân thân, tình trạng tài sản...
Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản, việc công chứng thực hiện theo yêu cầu của các bên (Điểm b Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai). Hiện chưa có cơ chế để người mua bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng, giao dịch với các chủ đầu tư.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều vụ án hình sự mà chủ đầu tư bán nhà, huy động vốn qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ… khi dự án chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Điển hình như vụ án Công ty Alibaba với bị hại là hơn 4.500 người, vụ án Châu Thị Thu Nga với bị hại gần 500 người, vụ việc gần 400 người mua đất dự án ở Bình Dương đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử trong tháng 7-2023. Chỉ khoảng 0,01% vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng; số vụ việc có bản án yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất ít, với tổng số tiền khoảng hơn 12 tỷ đồng.
Hướng đến số hóa hoạt động công chứng
Cho rằng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tư pháp đã đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024). Đối với các dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Công chứng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản), Bộ Tư pháp cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Công chứng hiện hành và định hướng sửa đổi Luật Công chứng đã trình Quốc hội về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng, phạm vi các hợp đồng, giao dịch phải công chứng...
Liên quan đến vấn đề sửa Luật Công chứng, luật gia Lê Quang Vững cho biết, nhiệm vụ lớn của công chứng hiện nay là công chứng số và Luật Công chứng là nền tảng cơ sở pháp lý để thực hiện việc này, nếu không thích ứng thì sẽ lạc hậu và bị đào thải. Trong giai đoạn này cần phải sửa Luật Công chứng theo hướng công chứng số và cơ sở dữ liệu kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên tinh thần phải bảo đảm an toàn, bảo mật, thuận tiện khi khai thác, sử dụng, có khả năng kết nối với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan. Dự báo nhu cầu để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo công chứng viên phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và nhu cầu thực tế của mỗi địa phương, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an cũng cần tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng. Có như vậy, hệ thống pháp luật về mới đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước toàn diện về công chứng và tạo môi trường hành nghề công chứng minh bạch, hiệu quả.