Tạo môi trường hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên

Nhằm tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp theo mục đích chính của Đề án 'Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025' theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1665), thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên thì vai trò nòng cốt thuộc về các nhà trường.

Truyền cảm hứng từ các vườn ươm

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1665, hàng nghìn ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên đã được hình thành, trong đó có không ít ý tưởng vượt ra khỏi cánh cổng nhà trường để đi vào thực tiễn cuộc sống. Dự án Hệ sinh thái giáo dục STEM của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một ví dụ điển hình. Xuất phát điểm từ một nhóm gồm 5 sinh viên với đam mê khoa học kỹ thuật và công nghệ, các em đã đem kiến thức được học và nghiên cứu trên ghế nhà trường để bắt tay thiết kế xây dựng các thiết bị học tập ứng dụng công nghệ cao cho học sinh phổ thông. Sau một năm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, đến nay, nhóm sinh viên này đã thành lập được công ty riêng mang tên Công ty Cổ phần phát triển giáo dục toàn cầu BKTech, với quy mô nhân sự lên tới 42 người. Em Dương Thế Long, thành viên dự án đồng thời đang giữ vị trí Giám đốc kỹ thuật của công ty, cho biết: “Sau quá trình khởi nghiệp, em thấy mình trưởng thành hơn. Dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn trang bị cho chúng em các kỹ năng, tạo hành trang lập nghiệp trong tương lai”.

 Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với Dự án Hệ sinh thái giáo dục STEM tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2020.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với Dự án Hệ sinh thái giáo dục STEM tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2020.

Dự án khởi nghiệp trên cũng như nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp khác của các sinh viên hiện thực hóa được phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của các nhà trường. Với mục tiêu tạo bệ phóng cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên, 3 năm qua, nhiều vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp trong các trường đại học được ra đời. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến nay, 50% các trường đã thành lập được những câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; khoảng 45 cơ sở đào tạo, chiếm 25% số cơ sở đào tạo, đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Với mục đích xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, từ năm 2017, Đại học Huế đã thành lập Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với không gian làm việc chung lên đến 2.000m2, được trang bị đầy đủ các điều kiện về chuyên gia và cơ sở vật chất tiên tiến. Trong 3 năm qua, trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị các kỹ năng, kiến thức, công cụ khởi nghiệp cho sinh viên; từ đó tìm kiếm, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, kết nối với các nhà đầu tư. Bình quân mỗi năm có hàng trăm ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên được hình thành. Theo TS Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo-Đại học Huế, để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp sáng tạo thì nhà trường phải chú trọng trang bị kiến thức kỹ năng, sự trải nghiệm cũng như truyền cảm hứng để sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp, đồng thời là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Tại Trường Đại học Thủy Lợi, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được lan tỏa rộng rãi đến mọi cán bộ, giảng viên và sinh viên. Hiện nay, trường đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp với nhiều thành viên tham gia; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng. GS, TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: “Việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp không chỉ tạo ra một sản phẩm giá trị cho xã hội mà còn có nhiều tác động vô hình như: Tạo không gian nghiên cứu sáng tạo, tạo động lực lớn cho sinh viên, tạo gắn kết giữa nhà trường và xã hội”.

Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi với mô hình công nghiệp phân loại sản phẩm thu nhỏ tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2020.

Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi với mô hình công nghiệp phân loại sản phẩm thu nhỏ tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2020.

Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), sau 3 năm triển khai Đề án 1665 đã đạt được nhiều kết quả, nổi bật là 3 lần tổ chức ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên. Điểm nhấn của ngày hội là cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Qua mỗi năm tổ chức, sức hút của cuộc thi tăng lên mạnh mẽ. Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2020 tổ chức mới đây, cuộc thi đã nhận được hơn 600 ý tưởng, dự án của các bạn trẻ tham dự sau 5 tháng phát động; tăng hơn 200 ý tưởng so với năm 2019. Cuộc thi cũng là môi trường quan trọng để kết nối 3 nhà: Nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp.

Dù đạt được nhiều kết quả nhưng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, việc triển khai Đề án 1665 trong các cơ sở đào tạo thời gian qua còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Một trong số nguyên nhân có thể thấy hiện nay là các trường đại học đa phần vẫn tập trung vào việc giảng dạy, nghiên cứu mà chưa quan tâm đến mảng thương mại hóa, vốn hóa các sản phẩm dựa trên nền tảng trí tuệ của nhà trường, đặc biệt là việc vốn hóa con người.

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án 1665, theo bà Ngô Thị Minh, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục tăng cường truyền thông; hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; tạo cơ chế khuyến khích, truyền cảm hứng cho sinh viên. Đồng thời, tạo nguồn vốn hỗ trợ sinh viên-đây cũng là một trong những mối lo khi sinh viên xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực lớn nhất để khởi nghiệp là ý tưởng mới, là chất xám của các bạn trẻ. Vì vậy, việc tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin, nhất là tham gia cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều cơ hội để các em cọ xát với những người cùng đam mê, với các doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-moi-truong-hien-thuc-hoa-cac-y-tuong-khoi-nghiep-cua-sinh-vien-648493