Tạo môi trường kích thích đọc sách cho trẻ em ở Thái Nguyên
Không chỉ chú trọng vào chất lượng nội dung, thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tích cực sáng tạo không gian truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ em.
Không gian sáng tạo
Thay vì đọc sách trên bàn ghế, trường Tiểu học Đội Cấn 1, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) lại thay đổi bằng lốp ô tô đầy màu sắc hay những gốc cây thân thiện với môi trường. Thư viện được bố trí đối diện với các lớp học, vì thế giờ ra chơi rất tiện cho học sinh mượn và đọc sách.
Những năm qua, Liên đội trường Tiểu học Đội Cấn 1 còn thực hiện tốt chương trình “Đọc và làm theo báo Đội”. Liên đội tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc đọc và làm theo báo Đội thông qua các buổi sinh họp chi đội, chào cờ, sinh hoạt.
Qua các trang báo Đội, học sinh thấy được ý nghĩa của văn hóa đọc, những câu chuyện về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, truyền thống lịch sử, tình cảm thầy trò. Phong trào “Đọc và làm theo báo Đội” như món ăn tinh thần góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi học sinh.
Còn đối với trường Tiểu học thị trấn Đu (Phú Lương), để tạo điểm nhấn, giúp học sinh có một sân chơi bổ ích sau giờ học căng thẳng, nhà trường đã phát động các chi đội trang trí lớp học thân thiện và thư viện xanh.
Sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh đã quy tụ được những khối óc sáng tạo, những đôi tay khéo léo và đôi mắt thẩm mĩ trang trí các lớp học và thư viện gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.
Đây là môi trường lý tưởng để học sinh đọc sách thư giãn sau những giờ học tập trên lớp. Qua đó hình thành thói quen, niềm say mê đọc sách của học sinh.
Không chỉ ở thành thị, văn hóa đọc còn được truyền tới vùng sâu vùng xa. Tại trường Tiểu học Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên dù còn thiếu thốn nhưng nhà trường đã xây dựng nhiều góc đọc sáng, xanh, sạch, đẹp với gần 2.000 đầu sách, báo. Với nguồn sách, báo phong phú, nội dung hấp dẫn, việc đọc sách đã trở thành thói của nhiều học sinh sau mỗi tiết học trên lớp.
Em Triệu Thị Kiều Duyên, học sinh trường Tiểu học Thần Sa, huyện Võ Nhai chia sẻ: "Ở nhà em không có nhiều sách nên khi đến trường em thường đọc sách để giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích".
Cô giáo Hà Thị Sinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thần Sa, huyện Võ Nhai cho biết: "Nhà trường đã sắp xếp nhiều không gian thuận lợi cho việc đọc, tạo điều kiện cho học sinh mượn sách trong các giờ hoạt động ngoài giờ và mượn sách về nhà để đọc".
Lan tỏa văn hóa đọc
Ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi mong muốn thông qua các hoạt động đọc sách, người đọc, nhất là trẻ em học sinh hiểu sâu sắc hơn về văn hóa đọc và ý nghĩa to lớn của sách trong cuộc sống".
Theo ghi nhận, hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống thư viện đạt chuẩn với đa dạng các đầu sách, báo để phục vụ nhu cầu đọc sách cho học sinh.
Khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về tri thức của mỗi con người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đọc sách chính là một trong những phương tiện đơn giản và hiệu quả nhất để nâng cao hiểu biết cho mỗi người. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa đọc, các nhà trường, tổ chức đoàn, hội sinh viên đã có nhiều hoạt động thiết thực để khơi dậy niềm đam mê với sách, lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên.
Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cũng đã tích cực triển khai mô hình thư viện thân thiện ở các trường phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu quả. Sở phối hợp với tổ chức Room to Read tài trợ theo dự án “Thiết lập thư viện trường Tiểu học tại Thái Nguyên” tại 112 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Thông qua Dự án này, các trường được thụ hưởng đã được hỗ trợ hàng trăm bản sách. Qua đó phát huy được hiệu quả trong công tác giảng dạy của nhà trường. Ngoài những môn học chính khóa, học sinh có điều kiện để đọc sách, tiếp cận những tri thức mới, nhằm nâng cao kiến thức cho các em trong quá trình học tập.
Để hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh, các nhà trường đã tổ chức tốt những hoạt động như: Ngày hội đọc, tiết đọc thư viện, thi kể chuyện theo sách...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, không chỉ các trường thuộc dự án mà ngay cả các trường không thuộc phạm vi Dự án cũng đã chủ động áp dụng toàn phần hoặc một số thành tố của mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể; chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện; làm giàu sách trong thư viện bằng nhiều nguồn như huy động xã hội hóa; tổ chức chương trình “góp một cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách hay”.
Qua cách làm này truyền cho học sinh đam mê với sách, giúp các em hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có hại cho sức khỏe và mạng xã hội thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý.