Tạo nền tảng cho kinh tế số

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang gấp rút xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Ban soạn thảo, nghị định này là một trong những nghị định rất khó và phức tạp vì chưa có tiền lệ và thời gian triển khai rất gấp. Nghị định sẽ tập trung vào việc áp dụng đối với giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, đồng thời sẽ là nền tảng để phục vụ các giao dịch điện tử trong xã hội, nhằm phát triển kinh tế số. Dự kiến tháng 11/2019 phải ban hành nghị định.

Ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT cho hay, hầu hết các giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước và người dân, DN trên các cổng dịch vụ công chưa có cơ chế xác thực định danh người sử dụng để đảm bảo an toàn. Còn giao dịch điện tử trong khu vực tư chưa có quy định về định danh và xác thực để tham chiếu.

Hiện nay một số lĩnh vực cần sử dụng thông tin định danh và xác thực là ngân hàng với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các DN Fintech, hay các đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng giao dịch mua bán tài sản… Đây đều là các đơn vị có liên quan chặt chẽ đối với việc định danh xác thực điện tử mà Bộ TT&TT đang xây dựng.

Theo ông Trung, về cơ bản các quy định về định danh xác thực đã có từ lâu và tương đối đầy đủ. Quan trọng nhất là căn cước công dân, hộ tịch… Về giấy tờ định danh cá nhân trong đời thực cũng được dùng thường xuyên từ lâu và phổ biến như căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe…

Tuy nhiên khi chuyển sang môi trường giao dịch điện tử là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hiện chưa có một quy định pháp lý nào để định danh một cá nhân, tổ chức tham gia vào giao dịch trên mạng. Ngoài ra, việc xác thực 1 cá nhân tham gia giao dịch điện tử cũng khó khăn hơn rất nhiều vì phải thông qua môi trường internet. Với xu thế giao dịch điện tử ngày càng phát triển trong đó bao gồm cả giao dịch ở khu vực công (khối cơ quan Nhà nước) và giao dịch ở khu vực tư thì việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về định danh và xác thực điện tử là rất cần thiết.

Khảo sát của Bộ TT&TT cho thấy, ở Việt Nam việc xác định giao dịch ở khu vực công, cụ thể là giao dịch của cơ quan nhà nước với người dân, DN đã sử dụng các phương thức định danh xác thực, tuy nhiên còn rất đơn giản. Chẳng hạn người dùng tự cung cấp thông tin còn việc xác thực chủ yếu thông qua tên, mật khẩu nên độ tin cậy không cao và khó sử dụng cho các giao dịch dịch vụ công trực tuyến cao hơn ở mức độ 3,4. Trong khi đó ở khu vực tư thì khác hơn, các định danh và xác thực trong khu vực tư đã được triển khai từ lâu và khá rộng, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Tuy nhiên lại chưa có quy định pháp lý nào làm căn cứ.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy đã có nhiều mô hình quản lý về định danh. Nhiều nước có cơ sở dữ liệu thông tin gốc. Các phương thức xác thực cũng được xác thực rất đa dạng từ đơn giản (tên, mật khẩu) đến chữ ký ô (khá phổ biến hiện nay) hay sinh trắc học.

Ông Phạm Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia chỉ ra một bất cập đối với quy trình định danh và xác thực theo mô hình hiện tại. Đó là đối với từng công ty hay từng ngân hàng, họ phải tự quản lý, tự định danh khách hàng, chi phí rất cao.

Trong khi đó các nước phát triển có công ty cung cấp thông tin định danh. Các ngân hàng hay đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng sẽ sử dụng thông tin định danh này. Như vậy sẽ chuyên biệt hơn, phân biệt giữa việc sử dụng và ghi nhận thông tin khách hàng trên các giao dịch, nhờ đó thông tin trên các dịch vụ cũng được bảo mật cao hơn.

Việt Nam có đặc thù là cơ sở dữ liệu định danh gốc, cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, hộ tịch đều đang trong quá trình xây dựng và chưa hoàn thiện. Bộ TT&TT được giao xây dựng nghị định, trong quy định sẽ xây dựng các nhà cung cấp dịch vụ định danh và xác thực và đang trong quá trình nghiên cứu. Các quy định sẽ pháp lý hóa các định danh bằng giấy như chứng minh thư, căn cước công dân qua quy trình xác thực như ngân hàng bây giờ…

Ông Hoàn nhấn mạnh, với nghị định này, định danh được các nhà cung cấp dịch vụ định danh cung cấp có giá trị pháp lý để sử dụng trong các giao dịch trên mạng. “Điều đó vừa đảm bảo an toàn, để bên cung cấp dịch vụ tập trung hơn vào nghiệp vụ của mình mà không phải quản lý khách hàng nữa. Theo báo cáo của các hãng trên thế giới, quy trình này tốn kém mà không sinh lời nhiều”, ông Hoàn chia sẻ.

Lan Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tao-nen-tang-cho-kinh-te-so-92327.html