Tạo nền tảng trước khi vào đại học

Thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao là vấn đề được nhắc tới từ nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp thấu đáo.

Sinh viên Trường Đại học Thành Đô (Hà Nội) trong giờ học thực hành. Ảnh: TG

Sinh viên Trường Đại học Thành Đô (Hà Nội) trong giờ học thực hành. Ảnh: TG

Phân bổ nội dung đào tạo chưa hợp lý

Dù các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, NVIDIA, Intel chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng đáp ứng yêu cầu quốc tế.

Các nỗ lực giải quyết từ trước đến nay chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ và phương pháp đào tạo, bỏ qua yếu tố then chốt đã được chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia phát triển, đó là việc phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học.

Theo báo cáo của Công ty TopDev, có khoảng 65% sinh viên CNTT sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đa phần sinh viên CNTT có ít thời gian để làm quen với các công nghệ lập trình thực tế.

Thời gian học tại trường đại học chủ yếu dành cho các môn đại cương, cơ sở và thực tập. Trong khi đó, tại quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh hay Hàn Quốc, học sinh được học lập trình từ sớm, trước khi vào đại học đã quen thuộc với ngôn ngữ Python, Java...

Tốt nghiệp Khoa CNTT, Trường Đại học Giao thông vận tải được 2 năm và đang làm nhân viên cho một công ty phần mềm, anh Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: Dù sinh viên CNTT có điểm đầu vào khá cao nhưng chỉ trải qua 4 năm học trên giảng đường nên chưa được tiếp cận đầy đủ với công nghệ tiên tiến, cần thời gian để làm quen.

Nhân sự CNTT, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain, AI… đã có những thành tích và ghi dấu ấn nhất định trên bản đồ công nghệ thế giới. Chính vì thế, nhiều tập đoàn lớn lựa chọn Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự công nghệ. Tuy nhiên, để cung cấp đủ nguồn nhân lực CNTT cho giai đoạn sắp tới là thách thức lớn.

Ông Wei Zhenhua - Tổng Giám đốc Công ty Huawei Việt Nam thông tin: Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 47 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT vào năm 2030. Qua khảo sát, hơn 50% giám đốc điều hành trong khu vực cho hay khó tìm kiếm được nguồn nhân lực phù hợp.

Thống kê của công ty tuyển dụng Navigos Group cho thấy, mức lương nhân sự chủ chốt CNTT dao động từ 30 - 90 triệu đồng, riêng lương kỹ sư mới ra trường ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở mức 1.000 - 2.000 USD/tháng; chưa kể với những lĩnh vực này, nhân sự còn có thể làm thêm cho nhiều công ty khác. Song, “cơn khát” nhân sự CNTT vẫn rất lớn.

 Học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) trong giờ học Tin học. Ảnh: TG

Học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) trong giờ học Tin học. Ảnh: TG

Bắt đầu từ trường phổ thông

Ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho rằng, yếu tố then chốt trong chuyển đổi số là nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực CNTT chất lượng cao. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghệ số, dự kiến trình Thủ tướng trong quý IV năm 2024.

Theo ông Tô Hồng Nam, hiện có một nghịch lý là nhiều cử nhân CNTT thất nghiệp trong khi doanh nghiệp không tìm được nhân lực đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, ông Nam đề xuất triển khai đào tạo CNTT ngay từ cấp THPT và thậm chí sớm hơn để học sinh được trang bị nền tảng kiến thức về STEM, lập trình và tư duy logic sớm.

Việt Nam có tiềm năng lớn với nguồn nhân lực trẻ đam mê CNTT và giỏi toán học. Nêu quan điểm, bà Nguyễn Thu Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đồng thời nhìn nhận: Để biến nguồn nhân lực dồi dào thành nguồn lực chất lượng cao cần nhiều thời gian, sự đầu tư và chiến lược đào tạo rõ ràng.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Ngô Thanh Hiền - Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam chia sẻ, khi IBM mở trung tâm gia công phần mềm tại Việt Nam vào năm 2002, dù kỳ vọng tăng số lượng lập trình viên nhưng thực tế việc tìm kiếm nhân sự có kỹ năng là thách thức lớn. Sau hơn một thập kỷ, số lượng lập trình viên tuy đã tăng nhưng vấn đề chất lượng vẫn tồn tại, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

Mức thu nhập của một lập trình viên vừa tốt nghiệp có thể lên tới 40 - 50 triệu đồng/tháng, khá cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, để đạt được những vị trí công việc tốt, sinh viên cần không ngừng cập nhật xu thế công nghệ, hiểu biết về những yêu cầu từ các tập đoàn lớn và tích cực tham gia vào sân chơi công nghệ.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các “đại bàng công nghệ” vào đầu tư và hợp tác. Muốn vậy, cần thay đổi trong tư duy đào tạo và ý thức tự chủ trong việc học, không chỉ chạy theo bằng cấp mà phải nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn và kỹ năng mềm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào mô hình đào tạo CNTT như ở các nước tiên tiến, trong đó chương trình học được phân bổ hợp lý giữa các cấp học, nhằm giúp học sinh có nền tảng CNTT trước khi bước vào đại học.

Ví dụ, trong chương trình giáo dục THPT tại Mỹ và Anh, Tin học là môn bắt buộc với mạch kiến thức về ứng dụng công nghệ, khoa học máy tính. Qua đó, học sinh được làm quen với các công nghệ lập trình cơ bản và xác định hướng đi nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT từ sớm.

Anh Cường

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-nen-tang-truoc-khi-vao-dai-hoc-post711400.html