Tạo nền tảng vững chắc cho Chuyển đổi số

Trong những năm qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tích cực, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh và xây dựng, quản lý bệnh viện.

Bệnh viện đã đầu tư mua sắm các thiết bị y tế hiện đại phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh.

Bệnh viện đã đầu tư mua sắm các thiết bị y tế hiện đại phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh.

Theo đó, Bệnh viện đã tích cực đầu tư cho hệ thống hạ tầng mạng cơ bản, đường truyền cáp quang kết nối tất cả các tòa nhà cùng thiết bị mạng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hoạt động của hệ thống phần mềm HIS, LIS. Đến năm 2018, Bệnh viện đã có tổng số 5 máy chủ các loại, 400 máy tính và 370 máy in, 1 bộ lưu trữ dữ liệu NAS cùng hệ thống mạng với 01 Switch layear 3 cùng 30 SWITCH các loại khác …

Bên cạnh đó, Bệnh viện còn sử dụng một phần mềm kết nối tổng thể. Từ năm 2009 đến nay, bệnh viện trải qua 4 lần nâng cấp phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện HIS, nâng cấp từ phiên bản Oracle 9i lên phiên bản Oracle 11g, cùng với nhiều ứng dụng mới được triển khai.

Điểm nhấn đáng chú ý là, từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện đã triển khai Quản lý hệ thống xét nghiệm bằng Bacos, trả kết quả xét nghiệm qua mạng, cải cách hành chính giảm thời gian chờ đợi mang lại nhiều sự hài lòng cho người bệnh; triển khai hệ thống “Gọi số khám bệnh tự động” tại Khoa Khám bệnh đa khoa, tăng tính khoa học, tạo sự công bằng, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự khu tiếp đón; triển khai bệnh án lưu trên mạng LAN (là bước đầu của bệnh án điện tử); triển khai hệ thống truyền tải hình ảnh PACS, kết nối HIS-PACS. Hiện, Bệnh viện đã hoàn thiện hệ thống LIS-HIS-PACS, kết nối sử dụng chữ ký số và bắt tay vào việc triển khai bệnh án điện tử tại bệnh viện.

Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện bệnh án điện tử.

Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện bệnh án điện tử.

Trước khi ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bệnh viện dùng hệ thống sổ sách cồng kềnh và có thể độ chính xác chưa cao. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, các hoạt động của bệnh viện đều được quản lý qua máy tính. Cụ thể như, quản lý vật tư y tế, quản lý dược nhập xuất tồn, cấp phát tới người bệnh; khám, chữa bệnh từ khi bệnh nhân đến khám cho đến khi bệnh nhân ra viện; báo chế độ ăn dinh dưỡng bệnh lý; chấm công cán bộ, viên chức hàng ngày; quản lý tài chính bệnh viện..

Từ khi đưa ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện vào sử dụng, công tác quản lý khám, chữa bệnh, thuốc và hồ sơ bệnh nhân đã được cải tiến theo chiều hướng đơn giản hóa và hiệu quả. Hiện, Bệnh viện đã đạt chỉ tiêu thời gian khám, chữa bệnh giảm 4 lần; thời gian chờ đợi của bệnh nhân giảm 10 lần. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp Bệnh viện tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất khám, chữa bệnh với mục tiêu nhanh, chính xác và thuận tiện cho người dân hơn; bác sĩ được công nghệ hỗ trợ để chỉ định thuốc chính xác, theo dõi được tình trạng của bệnh nhân qua các lần khám, điều trị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là tiền đề để Bệnh viện có thể xây dựng y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu phát triển của con người và xã hội, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với các bệnh viện trong toàn quốc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện thường quy việc trích chuyển dữ liệu giám định và thanh quyết toán với BHYT theo QĐ 4210/BYT đảm bảo chính xác, minh bạch trong quản lý. Mọi hoạt động về quản lý bệnh nhân, cập nhật thuốc, vật tư y tế tiêu hao được Bệnh viện quản lý và theo dõi chính xác, làm cơ sở để theo dõi và quản lý trong thanh toán BHYT, viện phí của người dân.

Đáng nói là, hàng ngày, mọi số liệu về tài chính, hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện được tự động chuyển đến hộp thư điện tử của các đồng chí trong Ban Giám đốc để nắm bắt kịp thời và hỗ trợ trong việc điều hành quản lý.

Công nghệ thông tin là yếu tố mang lại rất nhiều lợi ích trong thực hành y khoa, điều này đã được thực tế chứng minh. Trong đó, lợi ích nổi bật nhất là giúp lưu trữ và phân tích số liệu cho nghiên cứu khoa học; hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine), mà cụ thể là trong khám, chữa bệnh từ xa; giúp bác sĩ quyết định lâm sàng nhanh chóng và chính xác; giảm thiểu tử vong do sai lầm y khoa... Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý là hướng đi đúng đắn của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, phù hợp với xu hướng thời đại..

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, thời gian qua ngành y tế đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bởi vậy, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đang từng bước chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin tại đơn vị mình, từ đó đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là trong việc thực hiện chuyển đổi số...

H.D - N.N

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/tao-nen-tang-vung-chac-cho-chuyen-doi-so-281267-85.html