'Tạo nguồn' cho ghép tạng
Ca ghép phổi hồi sinh sự sống cho cô gái trẻ 21 tuổi trước thềm năm mới Giáp Thìn một lần nữa khẳng định tay nghề của các bác sĩ nước nhà trong việc chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao ở lĩnh vực ghép tạng.
Đây cũng là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành Y tế Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới vào đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Dù kỹ thuật đã có nhưng điều khiến người thầy thuốc luôn day dứt đó là không đủ nguồn tạng để cứu chữa thêm nhiều người bệnh.
Hồi sinh nhiều cuộc đời mới…
Hơn một tuần sau ca ghép phổi diễn ra vào đúng 30 Tết Giáp Thìn, sức khỏe của cô gái P.A.T (21 tuổi, quê Bắc Kạn) chuyển biến rất tốt. Nữ bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng và trả lời những câu hỏi của bác sĩ với những từ đơn lẻ. Trước khi được ghép phổi, từ tháng 10-2023, T đã phải từ bỏ giảng đường đại học vì sức khỏe quá yếu, liên tục phải thở ôxy tại nhà.
“Tình trạng sức khỏe của cháu tồi tệ đến mức mỗi lần nhập viện đều phải đi bằng xe cấp cứu vì không có ôxy là không thở được. Có lúc, tôi tưởng như hết hy vọng, nhưng niềm vui đã đến thật bất ngờ”, mẹ của nữ bệnh nhân xúc động nói.
Từ năm 2020, T phát hiện mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ. Đây là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Đến tháng 8-2023, nữ bệnh nhân được đưa vào danh sách chờ ghép phổi vì hai lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.
May mắn, vào ngày 8-2-2024 (đúng 29 Tết Giáp Thìn), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến của một thanh niên chết não sau tai nạn giao thông từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh. Trong 3 bệnh nhân thời điểm đó, T là người được lựa chọn vì có các chỉ số phù hợp cao nhất.
Gần 100 y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện E cùng nhiều bệnh viện khác được huy động để tiến hành ca ghép kéo dài 12 tiếng, kết thúc đúng vào 22 giờ đêm 30 Tết. Ca ghép thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế của Trung tâm ghép phổi UCSF - một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.
Trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn. Thế nhưng, tại Bệnh viện Phổi trung ương, ca ghép lại được thực hiện thành công trên một người bệnh nghèo ở vùng núi cao Bắc Kạn. Điều đó đã mở ra hy vọng được cứu chữa của nhiều người bệnh.
Không chỉ ghép phổi, ghép gan trẻ em - một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng với những đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật - hiện cũng đã được các bác sĩ nước nhà thực hiện thuần thục. Tính đến tháng 1-2024, Bệnh viện Nhi trung ương đã thực hiện 56 ca ghép gan cho trẻ. Đây là bệnh viện có số lượng ca ghép gan cho trẻ em lớn nhất cả nước. Riêng năm 2023, bệnh viện này đã thực hiện 17 ca ghép gan.
“Trong những ca ghép kể trên, bệnh viện đã thực hiện các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, nhiễm khuẩn huyết, ung thư gan, bệnh lý di truyền…, đặc biệt là ghép gan cho bệnh nhi có cân nặng thấp. Ca ghép gan cho trẻ có cân nặng thấp nhất là 5,6 kg. Với việc làm chủ kỹ thuật ghép tạng đã giúp người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài, đồng thời giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép…”, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Trần Minh Điển nhấn mạnh.
Băn khoăn về nguồn tạng hiến
Hành trình 30 năm ghép tạng của nền y học Việt Nam, kể từ ca ghép đầu tiên (năm 1992), giúp thấy rõ được những nỗ lực, cố gắng không ngừng của các nhà khoa học, thầy thuốc, phẫu thuật viên. Về kỹ thuật ghép tạng, nước ta đi sau thế giới nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép tạng cũng tăng dần.
Hiện, Việt Nam có 25 cơ sở y tế thực hiện ghép tạng. Đến ngày 31-12-2023, nước ta đã thực hiện được 8.302 ca ghép tạng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, các ca ghép chính vẫn từ nguồn hiến sống (chiếm tỷ lệ hơn 95%). Trong khi, tỷ lệ ghép tạng từ người hiến chết não còn rất thấp, chiếm chưa đầy 5% tổng số ca ghép.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức các năm qua có 107 ca chết não hiến tạng, chiếm tới 70% số ca chết não hiến tạng trên cả nước. Với dân số khoảng 100 triệu dân, tại Việt Nam mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tương đương tỷ lệ người chết não hiến tạng là 0,1/1 triệu dân - nằm trong số các nước có tỷ lệ thấp nhất thế giới. Con số này ở Hàn Quốc là 11/1 triệu dân. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ người chết não hiến tạng cao nhất châu Á.
“Việt Nam có hơn 1.500 cơ sở y tế, nhưng không phải cơ sở nào cũng đủ khả năng để chẩn đoán nguy cơ chết não của người bệnh. Bên cạnh đó, trong đời sống tâm linh người Việt vẫn quan trọng chết phải toàn thây, nên khi tuyên truyền với người dân về hiến tạng khi chết não, họ có rất nhiều tâm tư, băn khoăn. Nếu Việt Nam có mô hình bệnh tật giống như Hàn Quốc thì theo tỷ lệ đó, chúng tôi dự đoán có khoảng 36 người chết mỗi ngày vì không được ghép tạng. Hiện trong danh sách chờ ghép quốc gia đang có hơn 5.000 ca đang chờ ghép. Đây chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đồng Văn Hệ cho hay.
Với việc làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, nước ta rất cần có thêm nhiều nguồn tạng hiến, các cơ sở y tế phát triển kỹ thuật cấy ghép mô tạng đạt tiêu chuẩn quốc tế để người bệnh chờ ghép tạng thêm cơ hội sống. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi về các văn bản quy phạm pháp luât liên quan đến lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phù hợp với tình hình thực tế. Có như vậy mới mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.
Sẽ triển khai thêm nhiều kỹ thuật ghép tạng mới
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức có thể thực hiện khoảng 200 - 300 ca ghép tạng. Ngoài ra, tại bệnh viện cũng có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não mỗi năm, đây là con số rất lớn. Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác. Tiến sĩ - bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, trong thời gian tới, bệnh viện cũng sẽ triển khai thực hiện các kỹ thuật ghép tạng mới như: Ghép khí quản, ghép van tim, tách đôi gan hiến để mỗi người nhận 1/2 gan ghép nhằm giúp được nhiều người bệnh hơn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-nguon-cho-ghep-tang-658983.html