Tạo nguồn lợn giống phục vụ tái đàn
Để tăng đàn, tái đàn lợn khôi phục sản xuất, con giống là yếu tố quyết định. Vì thế, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống bố mẹ để nhân giống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lợn giống đẩy mạnh sản xuất để tạo nguồn giống chất lượng phục vụ nhu cầu tăng đàn và tái đàn.
Chăm sóc lợn giống tại một trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Ảnh: Thái Hiền
Đáp ứng đủ nguồn giống phục vụ tái đàn
Năm 2018 cả nước có gần 4 triệu con lợn nái. Tuy nhiên, đến năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn nái giảm còn hơn 2,27 triệu con. Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương thông tin, đến nay tổng đàn lợn nái của cả nước là 2,86 triệu con, tăng khoảng 5% so với cuối năm 2019 (đạt 98% so với kế hoạch của quý II-2020).
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua các cơ sở chăn nuôi không cho phối giống hoặc hạn chế phối giống dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lợn giống phục vụ nhu cầu tái đàn của các cơ sở chăn nuôi. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu để phục vụ việc duy trì đàn lợn của doanh nghiệp cũng như các trang trại chăn nuôi gia công, hạn chế bán con giống ra ngoài thị trường cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn cung. Hiện, giá lợn giống rất cao, hơn 3 triệu đồng/con và cũng không có để mua. Trước thực trạng trên, cùng với chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhiều địa phương đang tái đàn, trong đó sản xuất giống là ưu tiên số một.
Để giải "bài toán" thiếu con giống hiện nay, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã cung cấp lợn giống phục vụ tái đàn. Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho biết, Viện đang lưu giữ khoảng 1.300 con lợn nái, bình quân mỗi tháng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 450 con lợn nái hậu bị ông bà, bố mẹ và từ đó sẽ sản xuất ra hàng nghìn con lợn giống.
Nhằm đáp ứng đủ nguồn giống phục vụ tái đàn, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nhập khẩu lợn giống. Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức Phạm Trần Sum chia sẻ: “Ngoài 250 con lợn giống bố mẹ đầu tiên vừa nhập từ Thái Lan, công ty sẽ nhập 20.000 con lợn nái, vừa phục vụ việc tái đàn của doanh nghiệp, vừa cung cấp ra thị trường để đáp ứng nhu cầu tái đàn. Dự kiến đến cuối tháng 8, công ty sẽ hoàn tất kế hoạch này và bán lợn giống, giá dự kiến giảm khoảng 30% so với mức giá lợn giống trên thị trường”.
Nhiều chủ trang trại cũng tham gia cung cấp lợn giống cho thị trường. Ông Ngô Thanh Tùng, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết, trang trại của gia đình đang nuôi 50 lợn nái, dự kiến mỗi tháng cung cấp 100-200 con lợn giống. 50% số lợn giống được bán ra thị trường phục vụ người dân tái đàn, còn lại để nuôi thành lợn thương phẩm.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu hơn 110.000 con lợn giống. Riêng đàn giống lâu đời đã nhập khẩu về nước là 5.016 con, dự kiến sẽ nhập thêm 10.000 con. Với việc sản xuất trong nước và nhập khẩu, đến cuối quý III-2020 sẽ cơ bản đáp ứng đủ nguồn giống phục vụ người dân tái đàn.
Về việc phát triển đàn lợn giống trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã đang tích cực chăm sóc đàn lợn nái, bảo đảm sinh trưởng tốt. Đến nay, đàn lợn nái của thành phố có hơn 130.000 con, dự kiến đến cuối năm sẽ có khoảng 170.000 con, đáp ứng đủ nhu cầu tái đàn của các hộ chăn nuôi.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để tháo gỡ khó khăn về con giống, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ 3 giải pháp về giống. Thứ nhất, tăng tỷ lệ chọn lợn giống để tăng tổng đàn nái cụ kỵ và ông bà lên khoảng 126.000 con. Thứ hai là nhập nguồn tinh về làm mới đàn giống cụ kỵ. Thứ ba là nhập đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ nguồn giống vào cuối quý III và quý IV-2020.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố đã bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ lợn giống (với mức 5 triệu đồng/con lợn nái). Các địa phương đã vận động các trang trại, hộ chăn nuôi lợn sinh sản ưu tiên bán con giống cho người dân trên địa bàn nhằm khôi phục, phát triển sản xuất.
Về phía cơ sở sản xuất lợn giống, ông Nguyễn Văn Thanh, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) cho rằng, cùng với chính sách hỗ trợ về tín dụng, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện về quỹ đất để trang trại, hợp tác xã tổ chức tăng đàn, tái đàn trong thời gian ngắn nhất; đồng thời đẩy mạnh phát triển đàn lợn nái, tạo nguồn giống chất lượng cao cho thị trường.
Với những nỗ lực và giải pháp như đã nêu trên, tin tưởng rằng, "bài toán" về thiếu con giống sẽ sớm được giải quyết, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu tái đàn lợn của các trang trại, hộ chăn nuôi.