Tạo nguồn nhân lực chất lượng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Chiều 21/3, tại huyện Sông Hinh, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác dân tộc quý I/2023, với sự tham dự của lãnh đạo các ban, ngành 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong quý I/2023, các bộ, ngành trung ương, địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình); rà soát, bổ sung các văn bản hướng dẫn phù hợp tình hình thực tiễn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho Phú Yên hơn 205,8 tỉ đồng thực hiện Chương trình. Trong đó, nguồn vốn đầu tư hơn 82,1 tỉ đồng; nguồn vốn sự nghiệp gần 123,7 tỉ đồng. Ngoài ra, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2022 để các địa phương tiếp tục triển khai Chương trình đến hết năm 2023.
Đến nay, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình đã được phân bổ về các cơ quan, địa phương có liên quan. Trên cơ sở vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương năm 2023, UBND tỉnh cũng đã trình Thường trực HĐND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp bổ sung có mục tiêu thực hiện Chương trình. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo phương án đề xuất phân bổ, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình với số tiền gần 1,85 tỉ đồng.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong thời gian tới, các địa phương cần ưu tiên tạo nguồn nhân lực chất lượng để tập hợp, hướng dẫn đồng bào DTTS trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội. Các huyện miền núi cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức công tác tại vùng đồng bào DTTS-MN; chú trọng xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ là người DTTS; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương; tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN. Các địa phương cần tăng cường nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào DTTS-MN…