Tao nhã xưa cho lắng đọng nay

Người Hà Nội bao lâu nay vẫn thế, nâng niu sách như thể báu vật gia truyền.

Cuộc sống đô thị hối hả chảy trôi, bên cạnh các cửa hàng tiện ích, nhiều hiệu sách mới cũng xuất hiện với những gam màu bắt mắt, hiện đại như muốn xô đổ các hiệu sách cũ vốn in dấu thời gian.

Song, giữa những ồn ào, náo nhiệt đến gấp gáp, không ít người Hà Nội vẫn lặng lẽ đến hàng sách cũ để lục lọi những bản sách nhuốm màu thời gian như muốn lắng đọng tìm về một miền ký ức, một thú chơi tao nhã chốn Hà thành bấy lâu.

Lại một buổi đàm đạo chuyện Hà Nội dưới gốc cây già trên phố trong tiết trời tháng Tám, dùng dằng nắng mưa, mấy ông bạn già thế hệ 4X của tôi cứ đượm vị chan chát của trà mà tâm đắc: “Sách cũ là thế, nơi lưu giữ thời gian và kho tri thức nhân loại. Người Hà Nội có thể tự hào là một trong những thành phố tiêu thụ nhiều sách, các chuỗi nhà sách hôm nay và các hiệu sách cũ mang dáng hình Hà thành xưa cũ vẫn “mắt thấy tai nghe”. Và hình như nhu cầu tìm lại những cuốn sách cổ xưa, mỗi người một lý do riêng, đang lặng lẽ trở về trong đời sống đô thị”.

Nhà sách Mão trên phố Đinh Lễ, Hà Nội. Ảnh: Bảo Chung

Nhà sách Mão trên phố Đinh Lễ, Hà Nội. Ảnh: Bảo Chung

Đúng là thế, dù xã hội luôn phát triển, dù người Hà Nội đương đại đang cuốn mình trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, dù xu hướng đọc có những “chen chân” của internet, nhưng không thể phủ nhận, sách cũ vẫn sống một cuộc sống tao nhã trong lòng đô thị hiện đại, có chỗ đứng nhất định với lượng độc giả riêng.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong câu chuyện về sách thời nay, người Hà thành vẫn hay nhắc tên “vua sách cũ” Phan Trác Cảnh với hơn 10 tấn sách cất giữ trong ngôi nhà 4 tầng im lìm, trầm mặc nơi phố cổ Bát Đàn; nhắc tên người “ngông” Lương Ngọc Dư ở phố Bà Triệu… Hơn thế, người mê sách thời nay còn cất trong trí nhớ cửa hiệu “Linh Hoàng Hà” gần như chỉ bán sách qua mạng, kho sách kiêm hiệu sách “Sách cũ Hà thành” ở phố Lê Thanh Nghị, hiệu sách “Gia Khoa sách” ở phố Thụy Khuê… Cất giữ trong trí nhớ cả những con phố với nhiều hàng sách cũ như Láng, Trần Quốc Hoàn…

Bằng cái giọng nửa như khoe, nửa như kể, ông bạn già của tôi bất giác nhắc đến thư viện hơn chục nghìn đầu sách báo cũ, phần nhiều là sách về Hà Nội nằm trong con ngõ nhỏ 465 Ngọc Thụy (quận Long Biên) của nhà sưu tầm sách Bảo Thư (luật sư Tạ Thu Phong). Ấy là chốn quen thuộc của những người nghiên cứu và thích tìm hiểu về Hà Nội, là chốn “nương náu” không thể chối từ của những cuốn sách đã sờn gáy, những trang báo đã ngả màu thời gian, nhưng chất chứa bao nhiêu tinh hoa cuộc đời.

Ông bạn tôi rành rọt: “Ở đây lưu giữ khoảng hơn chục ngàn tư liệu quý hiếm thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến rất nhiều sách báo cũ mang giá trị lịch sử Hà Nội. Có thể tìm thấy ở đây những cuốn như “Kỹ nghệ Hà Nội”, “Các nhà buôn của Hà Nội” do người Pháp viết, những tin tức đáng chú ý trên những tờ báo được xuất bản từ những năm 30 của thế kỷ trước như thông tin về đắp đường Cổ Ngư, cải tạo Ô Quan Chưởng…, nhiều câu chuyện lý thú xoay quanh các địa danh của Hà Nội, sự biến thiên của Hà Nội qua các thời kỳ, các câu chuyện về văn hóa, lối sống của người Hà thành…”.

Đúng là giữa bốn bề sách mới hiện diện trong chuỗi các nhà sách sang trọng, những tưởng nhu cầu đọc của người Hà thành như thế đã đủ đầy. Nhưng không, sách cũ vẫn có đời sống riêng đầy cuốn hút với độc giả. Sinh viên tìm sách cũ vì giá cả vừa túi tiền, vì nhiều tài liệu không còn xuất bản; dân nghiên cứu tìm thấy trong các kho sách cũ những khảo cứu, công trình như thể quy chuẩn cho những nghiên cứu hiện tại; người hoài cổ mải mê với sách cũ để sống lại hồi ức thuở ấu thơ; nhà sưu tập mò tìm sách cũ vì thích sách, muốn gìn giữ những cuốn sách cổ như đang nỗ lực lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu từ thuở cha ông…

Chẳng thế mà không chỉ các hội sách, phố sách mới rôm rả, mà thị trường sách cũ cũng mở ra các ngày hội trao đổi sách cũ, hội chợ sách cũ, phiên chợ sách cũ… nườm nượp người bán kẻ mua. Ở những sạp sách cũ ấy đủ hết truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài cho đến tiểu thuyết và sách thiếu nhi, đủ hết sách của tác giả Việt Nam cho đến sách của tác giả nước ngoài. Ông bạn tôi vẻ đầy am hiểu: “Những bản dịch cũ do các dịch giả chuyên nghiệp thực hiện, văn phong cuốn hút, câu chữ không bị bó hẹp trong tư duy lối mòn, nên giàu cảm xúc. Sách càng “cao tuổi” càng giá trị vì được các dịch giả danh tiếng thực hiện”…

Chợt nhận ra, những hội chợ, phiên chợ, ngày hội sách cũ không chỉ là nơi để du ngoạn, để bán mua, để thỏa đam mê của người yêu sách, mà còn như một khoảng lắng đọng để người trẻ cảm nhận giá trị văn hóa với những thăng trầm của lịch sử đã qua.

Lắng đọng để nhận ra rằng, hành trình kiếm tìm và lưu giữ những cuốn sách cũ không đơn thuần một thú vui, mà còn là cách gìn giữ kiến thức hết sức thiêng liêng – một thú chơi tao nhã của người Hà thành từ thuở xưa.

Lắng đọng để thấy rằng, đi qua thăng trầm thời gian, sức hút của sách cũ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp của văn hóa đọc.

Lắng đọng để khiêm nhường nói rằng, dù xu hướng đọc có chịu “sức ép” của internet đến đâu đi nữa, thì những cuốn sách cũ vẫn chiếm lĩnh một vị trí không thể thay thế trong góc lòng người Hà thành. Thú chơi sách cũ của người Hà thành khởi nguồn từ sở thích cá nhân, vậy mà đã khiến những giá trị văn hóa lan tỏa theo thời gian.

Đúng như một nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, thú chơi sách cũ là một cách khơi gợi, làm sống dậy giá trị của những cuốn sách, bắt nó phục vụ cho hiện tại chứ không nằm phủ bụi và chìm lấp với thời gian. Chính vì thế, thú chơi ấy vừa làm dày thêm văn hóa cho người Hà Nội vừa đánh thức văn hóa đọc để nó lan tỏa vào đời sống của mỗi người.

Bởi chính những người sưu tầm sách như Bảo Thư cũng thừa nhận: “Nghề chơi cũng lắm công phu. Việc bảo quản sách báo, lưu trữ là vấn đề quan trọng đối với người sưu tầm sách. Song với tôi, tất cả những khó khăn đó sẽ qua đi khi tôi được chia sẻ kiến thức giá trị từ những cuốn sách, báo sưu tầm được cho những người bạn cùng yêu sách và yêu Hà Nội”.

Không ít người đã lo lắng văn hóa đọc đang phai nhạt trong người đương thời vì sự lấn át của mạng xã hội, vì guồng quay hối hả của cuộc sống đô thị. Nhưng sách cũ cùng thú chơi mang tên sách cũ đã gom góp trong nó lời khẳng định rằng văn hóa đọc vẫn như một mạch nguồn âm ỉ chảy.

Những hiệu sách cũ cũng như nhà sưu tập sách cũ, những “ông chủ” mê mải ấn bản cổ ở mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long chính là nơi lưu giữ tình yêu sách - nét văn hóa thanh lịch và đáng quý của người Hà Nội. Thú chơi sách tao nhã xưa chính là cội nguồn làm thăng hoa niềm đam mê và văn hóa đọc sách cũ trong cuộc sống đô thị hóa hôm nay.

Nhật Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-nha-xua-cho-lang-dong-nay.html