Trên những cánh đồng cói

Nhắc tới Nga Sơn, ngoài truyền thuyết về dưa hấu Mai An Tiêm thì cây cói - chiếu cói đã từng là 'biểu tưởng' gợi nhớ, gợi thương cho vùng đất ven biển xứ Thanh. Cói - thứ cây trời ban cho những cánh đồng trũng lợ, gắn bó máu thịt qua bao thế hệ người dân cần lao. Cùng với niềm tự hào, ấm no một thuở thì cói cũng mang theo bao trăn trở, vất vả của người dân.

Cói vẫn được ví như cây “đặc sản” của đất và người Nga Sơn.

Cói vẫn được ví như cây “đặc sản” của đất và người Nga Sơn.

Đến nay, vẫn không ai biết đích xác, cây cói xuất hiện ở đồng đất Nga Sơn từ bao giờ. Nhưng người dân Việt, mấy ai không biết đến câu ca: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng...”. Cũng đúng, Nga Sơn dù không phải là vùng trồng cói duy nhất trong cả nước, nhưng hẳn chiếu Nga Sơn phải có gì đó thật sự đặc biệt thì mới vang xa - nổi danh khắp cả nước đến như vậy.

Người có tuổi ở các địa phương vẫn thường kể, đất Nga Sơn khi xưa nằm sát biển. Quá trình biển lùi đã để lại nhiều cánh đồng trũng, nước lợ. Đặc tính thổ nhưỡng ấy không phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có lúa. Vậy nhưng trên những cánh đồng ấy, lại có một loại cây mọc xanh tốt, mướt mát, chính là cây cói. Nhờ sự chịu thương chịu khó, những người dân lại phát hiện ra, cây cói mọc hoang dại cũng thật được việc. Từ những sợi cói phơi khô, người ta dệt nên chiếu để nằm. Chiếu cói Nga Sơn, mát hè ấm đông. Có lẽ cũng bởi sự vượt trội của chất lượng cây cói lẫn sản phẩm chiếu cói, mà theo lời kể của người dân địa phương, chiếu cói Nga Sơn từng là vật phẩm tiến vua?!

Từ cây cói, sự lam lũ trên đồng cói, sự chịu thương chịu khó chẳng quản vất vả “ngày phơi, đêm dệt” mà cói và sản phẩm từ cói đã từng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân trồng cói, dệt cói ở Nga Sơn.

Ngồi bên máy xe lõi, tay vẫn thoăn thoắt làm việc, bà Trần Thị Ngọt (xã Nga Thanh), cho biết: “Tôi năm nay 73 tuổi. Sinh ra đã gắn bó cuộc đời với cây cói, nghề cói. Cây cói cho thu hoạch 2 vụ, vào tháng 4, tháng 5 và tháng 8, tháng 9 (âm lịch). Trước đây khi cây cói và nghề dệt chiếu cói ở địa phương hưng thịnh thì vào làng lúc nào cũng rộn ràng. Ngày nắng thì tranh thủ cắt cói, phơi cói, đêm về thì chẻ sợi, xe lõi, dệt chiếu... làm vất vả nhưng người nào cũng vui. Từ cói mà có tiền đong gạo, mua xe, làm nhà. Còn bây giờ thì khác, nghề cói vẫn vất vả nhưng thu nhập lại chẳng được bao nhiêu”.

Những ngày này, nếu không phải do mưa bão kéo dài, có lẽ người dân vùng trồng cói trên địa bàn huyện Nga Sơn sẽ đang tất bật bước vào vụ thu hoạch mới. Vậy nhưng, dù mưa bão có khiến những đồng cói bị đổ, người dân lo lắng thì việc thu hoạch cũng không thể diễn ra, không thể cắt cói chạy mưa, tránh bão như các loại hoa màu khác.

Với đặc tính của cây cói, sau khi thu hoạch phải được phơi khô kịp thời. Nếu cói thu hoạch gặp mưa, không được phơi sẽ mất màu, ẩm mốc, ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu. Vậy nên, khi cói vào mùa thu hoạch, trời càng nắng, người nông dân càng phải tranh thủ ra đồng. Và với người dân trồng cói, cái sự vất vả có lẽ cũng chẳng kém diêm dân làm muối, cũng phải “bám nắng mưu sinh”.

Về Nga Tân, ghé thăm gia đình ông Nguyễn Bá Long - một “lão nông tri điền”, am hiểu và có diện tích cói trồng nhiều bậc nhất ở xã, chúng tôi hiểu hơn về cái sự nhọc nhằn của nghề này.

Trồng và thu hoạch cói hiện nay vẫn làm thủ công, tốn nhiều sức lao động.

Trồng và thu hoạch cói hiện nay vẫn làm thủ công, tốn nhiều sức lao động.

Ông Long cho biết: Khi cói vào mùa thu hoạch, tranh thủ ngày nắng phải ra đồng từ 3, 4 giờ sáng để cắt cói. Đặc tính của cói là cao, ruộng lại sâu, không có máy móc nên buộc phải cắt tay thủ công. Để khi nắng lên mới ra đồng, bị “lút” người trong cánh đồng cói nóng bức chắc chắn công việc không hiệu quả. Cói sau khi cắt từ ruộng lại bì bõm gánh, vác bộ lên bờ. Sau đó thì phơi khô ngay giữa bãi đất trống trên đồng. Trời càng nắng càng phải tranh thủ phơi cho nhanh khô. Nếu chẳng may gặp mưa lại vất vả hơn nhiều, tất tả lo che mưa cho cói. Những ngày thu hoạch cói, gần như ăn ngủ trên đồng ruộng... Nhìn những dãi dầu nắng mưa, chai sạn trên gương mặt người nông dân như ông Long, tôi phần nào cảm nhận được những vất vả. Sau những bó cói thơm mùi nắng, là mồ hôi không ngừng rớt trên đồng ruộng của người làm nghề.

Điều đáng nói, trong khi việc canh tác nhiều loại cây trồng đã được áp dụng cơ giới hóa thì trên những cánh đồng cói, mọi thứ vẫn phải hoàn toàn thủ công, tốn rất nhiều sức lao động. Từ việc trồng mới (thường sau 5 năm thu hoạch); chăm sóc, làm cỏ, bón phân, cho đến thu hoạch, phơi khô... tất cả đều phải dùng sức người. Cùng với đó, việc cải tạo đất trồng cói (trung bình 5 năm 1 lần) tốn nhiều chi phí. Trong khi đấy, cói nguyên liệu liên tục rớt giá, chi phí đầu tư cao, năng suất cói giảm... Nhiều yếu tố khiến người nông dân vùng cói không còn thiết tha, mặn mà với cói.

Ông Phạm Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thanh, trăn trở: “Trước đây diện tích trồng cói ở Nga Thanh là hơn 130ha, đến nay giảm xuống còn 107ha, trong đó có khoảng 10% diện tích bị hoang hóa. Nếu trước đây 1 sào cói trung bình người dân thu về khoảng 10 triệu đồng (chưa trừ các chi phí) thì gần 2 năm qua, do năng suất giảm, giá giảm nên chỉ còn khoảng 5 - 6 triệu/sào. Nếu khó khăn kéo dài và không có giải pháp căn cơ, e rằng chỉ khoảng hơn 10 năm nữa, không biết sẽ còn bao nhiêu nông dân thiết tha với cói”.

Ông Phạm Văn Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: “Trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện nay còn gần 750ha cói, tập trung nhiều ở các xã Nga Tân, Nga Thanh, Nga Thủy, Nga Liên, Nga Tiến... Thực tế, người nông dân trồng cói trên địa bàn huyện Nga Sơn đang gặp không ít khó khăn. Cùng với kinh nghiệm thì việc trồng và chăm sóc cói phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như điều kiện đất đai, nguồn nước tưới, độ phù sa... Tất cả đều ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng cói thu hoạch, trong khi đó chúng ta lại chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm (cói nguyên liệu), còn phụ thuộc nhiều vào các thương lái thu mua. Năm 2023-2024, HĐND huyện Nga Sơn đã ban hành nghị quyết hỗ trợ cải tạo diện tích cói hoang hóa cho các địa phương, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/ha nhằm giúp người dân giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần đến những giải pháp căn cơ hơn, để cây cói trên đồng ruộng Nga Sơn có thể phát triển ổn định”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-nhung-canh-dong-coi-32911.htm