Tạo niềm tin và sự đồng hành, hưởng ứng của người dân

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhPhát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rất rõ các giải pháp cần thiết đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu 'gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả'. Tin tưởng và kỳ vọng vào quyết tâm này, cử tri hiến kế: ngoài gắn trách nhiệm, khâu kiểm tra, giám sát rất quan trọng. Đặc biệt, tiếp tục tôn trọng, liên hệ chặt chẽ để tạo niềm tin, sự đồng hành, hưởng ứng của Nhân dân trong suốt quá trình thực thi.

Cử tri huyện Nông Sơn phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam sau Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Ngọc Quyên

Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV được tổ chức thành công với 8 luật được thông qua, thể hiện rõ quyết tâm của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, từng bước hoàn thiện hóa pháp luật. Mỗi luật được sửa đổi, ban hành đã góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; các nội dung cử tri và Nhân dân kiến nghị trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến được tôn trọng và tiếp thu đầy đủ, hứa hẹn mang lại hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Khơi thông những “điểm nghẽn”

Tình trạng lợi ích nhóm, ngành trong xây dựng pháp luật, cố tình làm cho chính sách ban hành khó đi vào cuộc sống hoặc không vì người dân, doanh nghiệp... đã khiến cho một số chính sách pháp luật không bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý và không phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Khắc phục những bất cập đó, có thể thấy công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng minh bạch, rõ ràng và bảo đảm trình tự, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện rõ trong một loạt các luật vừa được thông qua và cho ý kiến.

Điển hình, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024, khắc phục các vướng mắc của Luật Giá hiện hành, kịp thời tháo những "điểm nghẽn” của thị trường. Cụ thể, Luật đã quy định giá hàng hóa, dịch vụ khác có biến động bất thường khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phục vụ công tác quản lý, điều hành giá. Điểm mới trong Luật cũng thể hiện thông qua việc quy định cụ thể việc kê khai, niêm yết, tham chiếu giá. Theo đó, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.

“Quy định giá càng rõ ràng, minh bạch thì việc quản lý càng hiệu quả. Từ đó, cũng có căn cứ xử lý các trường hợp phá giá, lũng đoạn thị trường. Đây cũng là việc làm cần thiết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Sự ra đời của Luật Giá sửa đổi cũng là một bước tiến quan trọng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, “bắt mạch” trúng bệnh.” - cử tri Trần Mạnh Cường - Gia Lai bày tỏ.

Một điểm mới của Luật Giá sửa đổi phải kể đến là việc quy định rõ về doanh nghiệp thẩm định giá, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, sử dụng tài sản, đặc biệt là tài sản là hàng hóa, tài sản công. Thực tế cho thấy, phần lớn chất lượng các chứng thư thẩm định giá chưa sát thực tế, thiếu khách quan, hầu hết theo ý kiến của đơn vị mua sắm. Trong khi đó, chế tài xử lý trách nhiệm đối với đơn vị tư vấn khi thẩm định giá có mức chênh lệch khá cao so với thực tế chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Việc quy định cụ thể, rõ ràng về doanh nghiệp thẩm định giá không chỉ tạo thuận lợi cho các doang nghiệp hoạt động mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thẩm định giá, bảo đảm quy định, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Là luật có nhiều ý kiến cử tri quan tâm, Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi cũng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. Theo đó, những sửa đổi của Luật mới về thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; chính sách nhân rộng mô hình HTX, liên hiệp HTX; chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách đất đai đã quy định chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp hợp tác xã thuê; ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX chưa được hỗ trợ thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật liên quan. Qua đó, tháo gỡ kịp thời các rào cản thực tiễn đặt ra và luật cũ chưa có quy định cụ thể để tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho HTX, tổ hợp tác bứt phá.

Một thay đổi quan trọng trong quy định về sở hữu, đó chính là Luật HTX sửa đổi đã chỉnh lý, sửa đổi khoản 4 Điều 115 theo hướng hạn chế giảm dần và chấm dứt tình trạng sở hữu chéo giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của HTX, liên hiệp HTX, bảo đảm phù hợp với quy định và xu thế vận hành phát triển của kinh tế tập thể. “Các vấn đề cử tri, địa phương góp ý phản ánh đã được các cơ quan chức năng và đại biểu Quốc hội tiếp thu đầy đủ, phán ánh kịp thời tới cơ quan soạn thảo, thẩm tra và trình kỳ họp. Tin tưởng các quyết sách của Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho thành phần kinh tế này phát triển, phát huy hiệu quả” - cử tri Nguyễn Ngọc Dung, HTX Quỳnh Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng - thực hiện pháp luật

Cùng với Luật Giá (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), 6 luật còn lại Quốc hội vừa thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trên các lĩnh vực. Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rất rõ các giải pháp cần thiết để đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong quý III.2023. Đồng thời, sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Đối với các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp thứ Năm, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

“Nhất thiết phải gắn trách nhiệm trong suốt quá trình triển khai thực thi Luật. Có như vậy mới có đầu mối đôn đốc, nhắc nhở, khen thưởng nếu làm tốt và xem xét xử lý nếu sai phạm” - cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhấn mạnh. Cũng theo vị cử tri tâm huyết này, để luật sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thực sự, ngoài gắn trách nhiệm, khâu kiểm tra, giám sát rất quan trọng. Theo đó, mỗi đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần bám sát địa phương để giám sát, khảo sát việc thực thi trên địa bàn. Nếu có vướng mặc trong thực thi cần kiểm tra, giám sát cụ thể chỉ rõ vướng mắc ở khâu nào. Khâu triển khai hay là khâu thực hiện; có hay không sự chồng chéo, mâu thuẫn? Cần làm rõ cụ thể gắn với các kiến nghị, đề xuất có địa chỉ và phản ánh kịp thời về Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì khâu thực hiện.

“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp” như chính phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội - cử tri bày tỏ.

Cuối cùng, phải tôn trọng Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân trong suốt quá trình thực thi luật. Bởi suy cho cùng, pháp luật đích đến không ngoài mục tiêu phát triển, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của muôn dân. Không một giải pháp nào tốt hơn giải pháp tạo ra được niềm tin và sự đồng hành, hưởng ứng của người dân trong thực thi, đưa luật đi vào cuộc sống.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tao-niem-tin-va-su-dong-hanh-huong-ung-cua-nguoi-dan-i334437/