Táo quân năm nay báo cáo những gì?
Hôm nay 23 tháng Chạp, theo văn hóa dân gian thì đó là ngày mở đầu cho Tết Nguyên đán. Cũng trong ngày này, thiên hạ xưa nay vẫn cho rằng đó là ngày ông Công ông Táo về trời, báo cáo Ngọc Hoàng những việc đã làm và chưa làm được trong một năm. Sau đó, đến đêm Giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Vậy, năm nay ông Công ông Táo (gọi chung là Táo quân- Vua bếp) sẽ báo cáo những gì?
Người xưa cho rằng, Táo quân ở trong mỗi gian bếp của gia đình. Do đó những việc tốt, xấu, hòa thuận hay không của gia đình đó Táo quân đều biết rõ. Khi gặp Ngọc Hoàng, Táo quân sẽ trình lên. Như vậy, có thể hiểu rằng Táo quân là “Vua bếp”, rất được người Việt Nam coi trọng. Ngày nay, dù cái bếp của người Việt (nhất là người thành thị) đã khác xưa gần như hoàn toàn, thì Táo quân vẫn ở nguyên trong tâm thức của mỗi người.
Hàng năm, vào đêm cuối cùng của năm âm lịch, TV thường phát chương trình các Táo về chầu Ngọc Hoàng. Đó là các Táo nắm giữ các ngành, các bộ dưới trần gian. Năm nào bộ, ngành đó “có nhiều vấn đề” thì y như rằng lại có một Táo đại diện xuất hiện, trong lúc báo cáo thường lờ đi những khuyết điểm, chỉ nhăm nhăm kể ra thành tích nối tiếp thành tích. Nhưng cái mẹo ăn gian ấy không qua mắt được Nam Tào, Bắc Đẩu, lại càng không che được mắt Ngọc Hoàng. Âu cũng là câu chuyện cười vui vẻ cuối cùng trong năm, để bước vào một mùa xuân mới vui tươi.
Nhưng thôi, đó là chuyện “vĩ mô”, còn với tầm “vi mô” của người viết bài này chỉ xin được nhờ Táo quân“báo cáo” giúp một vài chuyện mà nhiều gia đình quan tâm trong năm qua. Đó là sức khỏe, học hành và bữa ăn - những việc hàng ngày ai ai cũng phải đối diện.
Chuyện rằng, không khí ô nhiễm ghê quá, nhất là ở hai đô thị có cả chục triệu dân là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đến độ ngành y tế phải khuyến cáo “hạn chế ra đường nếu không cần thiết”, và ra đường cần đeo khẩu trang loại chống được bụi mịn. Nếu không, dễ bị các bệnh đường hô hấp. Nghe thật hãi. Nhiều bậc cha mẹ “nai nịt” kín bưng cho con mỗi khi từ nhà đến trường, chỉ hở mỗi đôi mắt để nhìn đời, trông cứ như Ninja bên đất Nhật. Lại có người lo cho sự “tồn vong” của cha mẹ già nên cấm các cụ tập thể dục buổi sáng vì lúc ấy khí trời nặng nhất. Các cụ xương đau, cơ nhức, lại không được gặp nhau ở chỗ vươn vai hít thở, nằm chèo queo ở nhà, buồn tênh. Trong lúc đó biết bao nguyên nhân được giới chức “cầm cân nảy mực” đưa ra, toàn những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”; có khi nó lại xa tới tận… Indonesia đưa khói cháy rừng về Việt Nam (!). Cho nên, nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng làm sao cho trời sạch trở lại, để nhân gian hít thở dễ dàng hơn, cũng không còn lo bệnh tật từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.
Sau sức khỏe dĩ nhiên là đến việc học hành. Học cũng ba bảy đường học, có tới mấy bậc học mà mỗi bậc đều có yêu cầu riêng. Đầu tiên, xin nói đến việc sách giáo khoa cho trẻ nhỏ. Các bậc thức giả cứ cãi nhau hoài sách của tôi hay còn sách của anh quá dở, khiến phụ huynh lẫn giáo viên không biết đường nào mà lần. Cãi nhau là chuyện của các vị, bao giờ chán thì thôi, nhưng sách giáo khoa thì phải sớm có cho lũ trẻ chúng nó học. Chưa hết, có lẽ ghê nhất là những tuyên ngôn cải cách với đổi mới giáo dục, rồi nâng tầm lên thành triết lý giáo dục, toàn những chuyện to tát viển vông. Trong khi bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn con em mình “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; chúng không bị cận thị, không bị còng lưng vì bệnh học đường do phải học nhiều quá mà đội ngũ “thợ dạy” thì chỉ bảo uốn nắn cho chúng ít quá. Phụ huynh cũng không muốn phải đóng quá nhiều thứ tiền, bị ép đóng nhưng lại mang tiếng tự nguyện- chán sao là chán.
Sức khỏe và học hành nhà nào cũng lo, rồi thì cụ thể hơn là đến chuyện mâm cơm. “Vua bếp” có tài cách mấy nhưng gặp phải những trận “bão giá” thì cũng bó tay. Thực phẩm lên giá, từ bó rau cho đến… cái đùi heo. Các bà nội trợ mỗi lần đi chợ lại nơm nớp lo nó lên giá. Vẫn biết dịch tả heo châu Phi càn quét khiến thực phẩm lên giá theo thịt heo, nhưng nó “neo giá” lâu quá thì bữa ăn mỗi ngày sẽ tẻ nhạt, cha mẹ con cái nhìn nhau rồi nhìn mâm cơm đều không khỏi chạnh lòng.
Vậy thì, không có gì tốt đẹp để Táo quân báo cáo với Ngọc Hoàng hay sao? Có đấy! Đó là việc năm qua người dân đã đỡ lo thực phẩm bẩn, không mấy ai còn nói đến “rau hai luống, lợn hai chuồng” nữa. Đề nghị “Vua bếp” báo cáo kĩ điều này vì đó là thành tích thật. Nhưng, cũng xin Táo quân nhớ báo cáo thật về chuyện sức khỏe, học hành, bữa ăn hàng ngày với Ngọc Hoàng. Để đêm Giao thừa, khi Táo quân trở lại với từng gia đình chúng ta được đón “Vua bếp” đem tin mừng rằng năm mới sẽ có nhiều niềm vui hơn.