Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer
Việc thực hiện chính sách nhằm hỗ trợ sinh kế giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer cải thiện đời sống.
Đa dạng hóa sinh kế
Đồng bằng sông Cửu Long có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố. Đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số, cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang...
Những năm qua, các địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực, tích hợp các chính sách nhằm hỗ trợ sinh kế giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù, cải thiện đời sống.
Gia đình anh Danh Tùng (người dân tộc Khmer), ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có 4 nhân khẩu. Trước đây là hộ nghèo của ấp, chỉ có 3 công đất ruộng, thiếu vốn, kiến thức, nên sản xuất lúa mỗi năm chẳng được bao nhiêu. Cuộc sống khó khăn khiến căn nhà lụp xụp xuống cấp cũng không có điều kiện để sửa lại.
Chia sẻ trước khó khăn của gia đình, Hội Cựu chiến binh xã Xà Phiên đã tạo điều kiện để gia đình anh vay 40 triệu đồng, vợ chồng anh đầu tư vào cải tạo đất trồng các loại hoa màu để bán nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian rảnh, anh đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh có thu nhập ổn định. Sau 5 năm tích lũy, gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo và vợ chồng anh xây được căn nhà cấp 4, trị giá gần 200 triệu đồng.
“Tất cả những gì có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế”, anh Danh Tùng chia sẻ.
Tương tự, tại An Giang, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng được hỗ trợ sinh kế. Ông Chau Sa (ngụ xã Châu Lăng, được hỗ trợ máy đánh đường thốt nốt) cho biết, gia đình ông làm đường thốt nốt từ 15 năm trước. Để nấu ra sản phẩm đường hoàn chỉnh, phải trải qua nhiều công đoạn, như lấy nước, nấu nước thốt nốt, cuối cùng là đánh đường. Trong đó, công đoạn đánh đường là tốn công nhất, do chỉ sử dụng sức lực đôi tay. Trước đây, khi chưa có máy, việc sản xuất đường rất vất vả. Tuy nhiên, giờ đây có máy móc vừa được hỗ trợ sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đánh đường, giảm bớt công sức cho hộ dân ở giai đoạn này. Từ đó giúp tăng năng suất và thu nhập.
“Những máy móc này giúp bà con giảm sức lao động, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo”, ông Chau Sa chia sẻ.
Việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer không chỉ dừng lại ở hỗ trợ “cần câu” bằng các loại máy móc, thiết bị, mà ngành chuyên môn còn chỉ cho người dân “cách câu cá”, thông qua việc tổ chức lớp dạy nghề. Hiệu quả do các mô hình mang lại giúp không ít người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nâng cao đời sống người dân
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong bà con dân tộc những năm gần đây được tỉnh quan tâm thực hiện đúng đối tượng, theo quy định. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 4.500 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết, khi thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số đều rất vui mừng, phấn khởi. Đồng thời, đồng bào dân tộc khai thác và sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả, bước đầu giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Với sự hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng hiện đã có sinh kế ổn định, giúp họ tăng thêm thu nhập, có cơ hội vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Trong khi đó, tại An Giang, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội tại huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2) với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 131,3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 118,8 tỷ đồng (vốn sự nghiệp), ngân sách địa phương là 11,9 tỷ đồng (vốn sự nghiệp), còn lại huy động các nguồn hợp pháp khác.
Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, từ các chính sách triển khai trên địa bàn góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn huyện. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm thoát nghèo của bà con đồng bào dân tộc đã giúp kinh tế vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện ngày một phát triển, đời sống bà con dân tộc ngày một tốt hơn, qua đó góp phần giúp người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer, giữ gìn tốt khối đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ những chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai thực hiện những mô hình giảm nghèo bền vững.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-sinh-ke-ben-vung-cho-dong-bao-dan-toc-khmer-277108.html