Tạo sinh kế bền vững từ 'rừng vàng' dược liệu
Nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai những mô hình trồng cây dược liệu theo hướng hàng hóa, từ đó khai thác được tiềm năng, góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, hằng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính lên tới 100.0000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD. Trong khi đó, theo WHO, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu cũng là một xu hướng của thế giới hiện nay.
Nâng thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo
Nắm được những con số này, nhiều địa phương, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang khai thác tiềm năng sẵn có về cây dược liệu sản xuất theo hướng liên doanh liên kết để nâng cao thu nhập, hỗ trợ người dân giảm nghèo.
Một trong những địa phương tiêu biểu đó chính là Lào Cai khi có nhiều mô hình kinh tế dược liệu ra đời và hoạt động hiệu quả. Cụ thể như HTX nông nghiệp Bản Mế (thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai) ngoài trồng sưa đỏ và quế còn trồng cây trẩu (một loại dược liệu dùng sản xuất biệt dược).
Cây dược liệu đã giúp cuộc sống của người dân địa phương có những thay đổi tích cực. Tại thôn Phìn Chư 3, trước đây không có đường bê tông và không có điện, thì đến nay nhờ cây trồng dược liệu, thôn đã có đường bê tông, điện lưới quốc gia. Cả thôn với hơn 130 hộ dân người Mông nay chỉ còn hơn 18 hộ nghèo. Bà con vừa chăn nuôi gia súc vừa trồng dược liệu để ổn định kinh tế.
Anh Hoàng Seo Chẩn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bản Mế cho biết, trồng dược liệu không chỉ giúp các thành viên có cuộc sống tốt hơn mà nhờ đẩy mạnh liên kết mở rộng vùng trồng, thu mua để xuất cho doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở huyện Si Ma Cai đã thoát nghèo, đời sống khá giả. 100% xã, thị trấn trong huyện đã có điện, 100% thôn của huyện đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Hay tại tỉnh Yên Bái, mô hình sản xuất dược liệu trên diện tích gần 20ha của HTX Lũng Lô (xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn) có hiệu quả cao. Trước đây, người dân xã Thượng Bằng La chỉ sống bằng thuần nông, lúc nông nhàn quen với việc khai thác dược liệu từ rừng về bán cho thương lái. Tuy nhiên, từ khi HTX Lũng Lô ra đời, người dân đã biết đưa cây dược liệu quý ở rừng về trồng trong vườn nhà và có nguồn thu nhập ổn định từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Đặc biệt, nhờ phát triển trồng dược liệu, thu nhập bình quân đầu người ở Thượng Bằng La hiện đã lên đến 50 triệu đồng/năm, trong khi năm 2020 mới đạt 32 triệu đồng và năm 2016 là 25 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục giảm còn dưới 2%; tỷ lệ người dân có việc làm đạt 95%.
Chưa tận dụng hết tiềm năng
Có thể thấy, dược liệu đang là một trong những đối tượng cây trồng mang lại nguồn thu khá cho không ít người dân tại các địa phương trên cả nước. Ðể góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, cùng với việc trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, nhiều địa phương, nhất là những tỉnh miền núi, giáp biên giới cũng đã xác định phát huy cao nhất diện tích đất dưới tán rừng để duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu.
Điển hình như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Quảng Nam, Kon Tum… đã xác định trồng và sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu không chỉ nâng cao thu nhập, hỗ trợ người dân giảm nghèo mà còn thu hút và đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan, du lịch. Đây cũng là hướng đi đúng đắn, khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm mang lại lợi nhuận cao, tăng tính ổn định, bền vững hệ sinh thái rừng và không ảnh hưởng quỹ đất của các loại cây trồng khác.
Đặc biệt, phát triển các dự án, mô hình trồng dược liệu theo chuỗi với sự tham gia của Nhà nước, nông dân, HTX, doanh nghiệp còn giúp hạn chế tình trạng di cư. Lợi ích và giá trị kinh tế từ các cây dược liệu mang lại giúp người dân hình thành tâm lý gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra mối liên kết giữa chính quyền và nhân dân, HTX, doanh nghiệp trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của các địa phương.
Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Dược liệu, diện tích, sản lượng dược liệu của cả nước mới chỉ đáp ứng 25-30% nhu cầu sản xuất dược phẩm, còn lại là phải nhập khẩu. Chính vì vậy, phát triển dược liệu còn tiềm năng rất lớn và cũng giúp tiếp tục mở ra các cơ hội nâng cao đời sống, giảm nghèo cho người dân.
Bên cạnh đó, phát triển vùng trồng dược liệu trên cả nước vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Chẳng hạn như ở Điện Biên, có rất nhiều dược liệu quý nhưng mỗi năm chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng từ các loại cây dược liệu là quá thấp. Hay ở Sơn La, nguồn cung cấp dược liệu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất, bào chế thuốc.
Mở hướng đi cho chuỗi dược liệu
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Nhà nước, muốn nâng cao giá trị từ cây dược liệu và hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả từ dược liệu, Việt Nam không chỉ chú trọng khai thác hợp lý các loài dược liệu tự nhiên, mà còn phát triển các vùng trồng dược liệu trọng điểm trên cả nước đi liền với thiết lập chuỗi liên kết vùng trồng - sản phẩm.
Anh Hoàng Seo Chẩn cho biết việc phát triển các chuỗi dược liệu là con đường làm kinh tế hiệu quả giúp tạo sinh kế bền vững cho bà con. Nhưng muốn phát triển được các chuỗi thì cần nguồn vốn, nhưng việc vay vốn rất khó khăn.
Hiện, sản xuất dược liệu cũng như làm nông nghiệp bị các tổ chức tín dụng đánh giá gặp rất nhiều rủi ro khi cho vay vốn. Nếu dự án dược liệu không thành công thì ngân hàng khó thu hồi vốn. Đây chính là nguồn nhân khiến ngân hàng không mặn mà khi cho doanh nghiệp, HTX và nông dân vay vốn để trồng dược liệu hay khởi nghiệp với sản phẩm dược liệu.
TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm cho biết, cây dược liệu phù hợp trồng ở các vùng miền múi, trong đó lao động chính là người dân, thành viên HTX. Trong khi để phát triển được chuỗi dược liệu, ngoài mở rộng diện tích còn cần đầu tư máy móc, công nghệ…
Chình vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, cần lấy vai trò của doanh nghiệp làm đầu tàu liên kết, hỗ trợ HTX, người dân về vốn, công nghệ. Đi liền với đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các HTX trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị, thu nhập và giải quyết việc làm, hỗ trợ tích cực cho giảm nghèo bền vững, cần nâng cao giá trị cho các loại dược liệu. Việt Nam có khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng để quyết định chất lượng dược liệu, nhưng dược liệu hiện chủ yếu là ở dạng thô chưa có giá trị kinh tế cao. Muốn sản xuất ra một sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng cần phải có sự liên kết của nhiều bên trong nghiên cứu để sản phẩm cuối cùng từ dược liệu đem lại giá trị thật sự cho người dùng, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.