Tạo sinh kế cho bộ đội xuất ngũ ở tỉnh Hà Giang

Làm sao để bộ đội xuất ngũ (BĐXN) sớm ổn định cuộc sống, gắn bó với quê hương, bản làng; cũng là tạo thêm động lực cho thanh niên đến tuổi nhập ngũ hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc? Để giải quyết bài toán này, những năm qua, cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp tạo sinh kế cho BĐXN, bằng những mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả.

Đến huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vào đúng thời điểm các đơn vị tổ chức lễ tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, chúng tôi được nghe câu chuyện cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách tặng bò giống và hỗ trợ vốn vay không tính lãi đối với BĐXN, giúp anh em sớm ổn định cuộc sống. Hiệu quả từ chương trình này giúp nhiều quân nhân xuất ngũ xây dựng được mô hình kinh tế phù hợp trên chính mảnh đất quê hương mình.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đơn vị tặng giấy khen khi còn là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 19, Bộ Tham mưu Quân khu 2, trở về địa phương, anh Mùa Mỹ Lử ở tổ dân phố 1, thị trấn Mèo Vạc được UBND huyện tặng một con bò giống. Sau gần 4 năm chăm sóc, hiện đàn bò của gia đình Lử phát triển tốt, tạo thu nhập khá.

 Cán bộ Ban CHQS huyện Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với gia đình quân nhân xuất ngũ.

Cán bộ Ban CHQS huyện Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với gia đình quân nhân xuất ngũ.

Với khoản vốn được hỗ trợ sau khi xuất ngũ, Tẩn Văn Trạng ở thôn Nà Sang, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) bàn với vợ là chị Lý Thị Gái tìm hướng thoát nghèo. Gia đình thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, Tẩn Văn Trạng được UBND huyện hỗ trợ nguồn vốn 150 triệu đồng trong hai năm không tính lãi. Có vốn trong tay, gia đình anh Trạng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Hiện gia đình anh thường xuyên duy trì đàn lợn hơn 20 con, kết hợp với nuôi trâu, gia cầm số lượng lớn. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, Tẩn Văn Trạng hào hứng chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi ở vùng cao núi đá. Anh cũng không quên nhắc đến môi trường quân đội đã giúp nhiều thanh niên như anh có bản lĩnh và trưởng thành để lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Từ năm 2017 đến nay, riêng huyện Mèo Vạc đã trao 80 con bò giống (10 triệu đồng/con) tặng 80 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự và được tặng giấy khen. Việc trao tặng bò giống được tổ chức trang trọng vào lễ giao nhận quân hằng năm. Thượng tá Nông Thanh Dậu, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mèo Vạc chia sẻ, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở địa phương thời gian trước gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự tham mưu hiệu quả của Ban CHQS huyện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt địa phương áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp phát triển kinh tế, giúp quân nhân xuất ngũ (QNXN) sớm ổn định cuộc sống, đồng thời tạo động lực lớn cho thanh niên trên địa bàn phấn khởi, yên tâm lên đường bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Mèo Vạc là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Hà Giang trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Năm 2020, huyện Mèo Vạc được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi 72 công dân nhập ngũ vào các đơn vị quân đội và công an, thì có quá nửa trong số này viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cùng với đó, trước khi thanh niên lên đường về đơn vị, địa phương đều tổ chức các đoàn công tác đến thăm, động viên, tặng quà. Với thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, được địa phương tặng giấy khen và phần quà trị giá 1 triệu đồng.

 Ban CHQS huyện Mèo Vạc (Hà Giang) làm hồ sơ khám tuyển nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên nhập ngũ năm 2020.

Ban CHQS huyện Mèo Vạc (Hà Giang) làm hồ sơ khám tuyển nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên nhập ngũ năm 2020.

Qua tìm hiểu tại huyện Quang Bình (Hà Giang), chúng tôi cũng được biết chương trình hỗ trợ vốn vay không tính lãi đối với QNXN, được áp dụng từ năm 2017. Điển hình như trường hợp anh Xìn Văn Thạch ở thôn Mỹ Bắc (Tân Bắc, Quang Bình), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, mạnh dạn vay 80 triệu đồng để đầu tư xây chuồng nuôi trâu. Hiện đàn trâu 8 con của gia đình anh Thạch phát triển tốt.

Cũng từ nguồn vốn vay không tính lãi của địa phương, anh Thào Seo Chinh ở xã Bằng Lang, huyện Quang Bình đầu tư trồng cam và cải tạo nguồn nước thả cá. Nhờ đó công việc của Thào Seo Chinh luôn ổn định, từng bước nâng cao thu nhập, trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả trên địa bàn xã.

Theo Trung tá Hùng Minh Hòa, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quang Bình, để tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ phát triển kinh tế và khuyến khích, động viên công dân nhập ngũ làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Theo đó, đầu năm 2019, Ban CHQS huyện tham mưu với UBND huyện Quang Bình triển khai thí điểm mô hình giúp QNXN khởi nghiệp bằng nguồn vốn vay ưu đãi trị giá 80 triệu đồng, không tính lãi trong hai năm. Sau hai năm, nguồn vốn sẽ được xoay vòng để giúp các QNXN khác có nguyện vọng vay vốn. Hiện có 5 quân nhân sau khi xuất ngũ đã được vay vốn phát triển kinh tế, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Mô hình nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân địa phương.

Thượng tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, khẳng định: "Với sự tham mưu tích cực của cơ quan quân sự các cấp, hiện mô hình tặng bò giống và cho vay vốn phát triển kinh tế không tính lãi đối với QNXN đang được duy trì và nhân rộng trong toàn tỉnh Hà Giang. Một số địa phương trên địa bàn Quân khu 2 cũng học hỏi mô hình, cách làm sáng tạo này, bước đầu áp dụng mang lại hiệu quả rõ rệt".

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG - MẠNH TƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-sinh-ke-cho-bo-doi-xuat-ngu-o-tinh-ha-giang-609786