Tạo sinh kế cho đồng bào Khmer thoát nghèo

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm hơn 30% dân số của tỉnh). Những năm qua, nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các chính sách dân tộc nên hệ thống cơ sở hạ tầng tại các phum sóc được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mã Chí Thanh, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020, các chính sách an sinh xã hội được địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời đã giúp người nghèo giảm bớt khó khăn. Một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo sinh kế, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó nổi bật là mô hình nuôi bò sữa, nuôi dê, trồng màu... giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững”.

Điều ông Mã Chí Thanh nói được thể hiện sinh động khi chúng tôi có dịp trở lại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Trước đây, số hộ nghèo trong xã chiếm hơn 20%, nhiều tuyến đường vẫn còn là đường đất. Về Đại Tâm hôm nay dễ dàng nhận thấy các tuyến đường trên địa bàn xã đã được nâng cấp, cứng hóa, đồng bào đi lại thuận tiện trên những con đường bê tông thông thoáng; thay cho những căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát trước kia là những ngôi nhà ngói khang trang, sạch đẹp.

Đường bê tông mới được xây dựng và đưa vào sử dụng ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Đường bê tông mới được xây dựng và đưa vào sử dụng ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Do hệ thống đường giao thông yếu kém, xóm Pôtapinh, ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm cách đây mấy năm như một phần tách biệt với các phum sóc khác trong xã, việc đi lại, học hành của người dân, học sinh nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đây, hệ thống đường giao thông, đèn thắp sáng, thủy lợi... được hoàn thiện giúp cho việc đi lại, sản xuất của đồng bào thuận lợi hơn nhiều. Anh Thạch Minh Dương, người dân tộc Khmer ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm chia sẻ: "Trước kia cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, hai vợ chồng thường xuyên phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Sau khi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nuôi bò sữa, cuộc sống của gia đình đã được cải thiện, thoát nghèo nhờ nguồn thu từ bán sữa bò. Đến nay, gia đình tôi đã có đàn bò hơn 10 con, tạo nguồn thu nhập ổn định". Ông Trần Chín Tâm, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm cho biết: “Nhằm tạo sinh kế cho đồng bào, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào vay vốn, đồng thời tổ chức hướng nghiệp, đào tạo nghề. Cùng với đó, chúng tôi tích cực định hướng sản xuất, hỗ trợ người dân trong việc liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Năm 2011, khi mới bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 20%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 2%”.

Tương tự xã Đại Tâm là xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú-địa phương có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất trong tỉnh Sóc Trăng với hơn 92% dân số. Phú Mỹ xuất phát điểm thấp, hạ tầng giao thông yếu kém, đời sống kinh tế, sản xuất của người dân còn nhiều khó khăn và lạc hậu. Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển phù hợp với đặc thù của địa phương, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân xã Phú Mỹ đã có bước phát triển đáng kể.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh đã triển khai thực hiện 94 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng kinh phí thực hiện hơn 72,2 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với 47 mô hình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực góp phần giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh còn dưới 3%.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-sinh-ke-cho-dong-bao-khmer-thoat-ngheo-652200