Tạo sinh kế cho phụ nữ người dân tộc thiểu số
Theo định hướng của chính quyền và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã xây dựng và phát triển một số mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác chăn nuôi giúp hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số tiếp cận và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc chăn nuôi thả rông đã trở thành tập tục lâu đời. Quá trình chăn nuôi hầu hết dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên, người dân thả gia súc tự tìm thức ăn và hầu như không quan tâm đến việc chăm sóc nên gia súc sinh trưởng, phát triển chậm. Công tác chăm sóc, phòng bệnh không bảo đảm, dễ lây bệnh cho gia súc khác, hiệu quả kinh tế không cao, mặt khác còn gây ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế đó, năm 2018, Hội LHPN huyện Đăk Tô đã triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên kết chăn nuôi lợn sọc dưa” tại thôn Kon Pring, xã Ngọc Tụ và thôn Đăk Lung, xã Kon Đào với 10 thành viên là hộ phụ nữ người dân tộc thiểu số. Mô hình hỗ trợ 20 con lợn giống cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, phối hợp với lực lượng khuyến nông hướng dẫn đồng bào xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp (ngô, khoai, sắn, chuối, rau xanh các loại) làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, giảm được nhiều chi phí. Đến nay, đàn lợn từ 20 con đã tăng lên hơn 40 con.
Nhiều hộ có thu nhập khá từ việc bán lợn giống. Trước hiệu quả mà mô hình mang lại, năm 2020, Hội LHPN huyện Đăk Tô đề xuất với cấp trên và được hỗ trợ thêm 117 con lợn giống cùng gần 80 triệu đồng kinh phí làm chuồng trại cho hàng chục hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại thôn Kon Pring, góp phần tích cực nhân rộng mô hình.
Hội LHPN huyện Đăk Tô cũng đã có cách làm sáng tạo khi kết hợp giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện với việc thành lập mô hình “Tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản” tại thôn 5, xã Diên Bình vào năm 2019. Ban đầu, với 18 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô giải ngân 900 triệu đồng, các hộ mua 18 con bò giống và sử dụng một phần vốn xây dựng chuồng trại bảo đảm cho việc chăn nuôi. Gần một năm sau, bò sinh sản tốt, cho thấy hiệu quả mô hình mang lại. Trên cơ sở đó, Hội LHPN huyện tiếp tục vận động các thành viên khác tham gia, nhân rộng mô hình. Đến nay, số hộ tham gia đã tăng lên gần 30 với gần 80 con bò giống.
Chị Y Ty-thành viên tham gia mô hình, chia sẻ: “Gia đình tôi vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện để mua bò giống, đến nay, bò đã sinh sản tốt. Tôi thấy chăn nuôi bò rất hiệu quả, vừa có sức kéo, vừa tận dụng được phân bón cho cây trồng...”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã Diên Bình cho biết: “Việc triển khai mô hình đã phát huy được tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ học hỏi, chia sẻ kiến thức chăn nuôi, đồng thời giúp chị em sử dụng đồng vốn đúng mục đích góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.
Đồng chí Nguyễn Thị Như Hà, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô cho biết thêm: “Các mô hình tổ liên kết, hợp tác chăn nuôi được hội xây dựng trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, thiết thực giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.