Tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách bằng Taxi có khả thi?

Chỉ còn ít ngày nữa, Nghị định 10/2020/NĐ-CP (NĐ 10) sẽ chính thức có hiệu lực đem tới kỳ vọng chấm dứt những tranh cãi giữa Taxi truyền thống và Taxi công nghệ, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách bằng Taxi.

Quản lý chặt chẽ về số lượng phương tiện, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách bằng Taxi (Ảnh minh họa)

Với 4 năm thí điểm cùng 12 lần dự thảo, Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86 về Kinh doanh và Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã được ban hành và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/4 tới.

NĐ 10 ra đời đem tới kỳ vọng sẽ chấm dứt những tranh cãi giữa Taxi truyền thống và Taxi công nghệ, vướng mắc quyền nghĩa vụ giữa lái xe, hãng công nghệ và khách hàng. Tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là Taxi.

Bên cạnh đó, việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) sẽ chính thức dừng lại. Taxi công nghệ sẽ không còn bị hạn chế phạm vi hoạt động tại 5 tỉnh, thành phố như trước.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, các đơn vị đang hoạt động theo loại hình này phải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo NĐ 10. Dù loại hình vận tải nào, dùng tên gì thì cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, hoạt động và về kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, TS. Nguyễn Xuân Thủy (Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT) cho rằng, sau một thời gian Bộ GTVT thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Người dân đã nhìn nhận được ưu điểm của loại hình như: minh bạch hóa với hành khách, thuận tiện cho người đi, áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động giao thông...

Nhưng bên cạnh đó, nhiều bất cập cũng được bộc lộ. Đơn cử như việc nếu một người dân không có xe ô tô và cố gắng mua lấy một chiếc để chạy Grab, điều này sẽ khiến lượng phương tiện tăng lên, đi ngược với chủ trương giảm thiểu phương tiện. Nhất là việc phát triển nhanh chóng, tràn lan thiếu quản lý và kiểm soát dẫn tới lượng Taxi công nghệ gia tăng nhanh, tạo nên áp lực lớn cho hạ tầng gia thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, Bộ GTVT, Sở GTVT các địa phương cần phải quản lý chặt chẽ thông qua việc cấp giấy phép cho phương tiện hoạt động, tùy theo nhu cầu thực tế tại mỗi địa bàn và không nên cho hoạt động tràn lan như hiện nay.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, làm việc hết trách nhiệm, chống cơ chế xin cho và lợi ích nhóm trong việc thực hiện cấp phù hiệu, giấy phép cho các đơn vị Taxi hoạt động thì công tác quy hoạch, quản lý mới đạt được hiệu quả cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - Nguyễn Công Hùng, ngành nghề vận tải là ngành nghề nhà nước quản lý liên quan đến tính mạng con người, ngân sách, chi phí... NĐ 10 ra đời để đưa tất cả các loại hình vận tải bằng ô tô hoạt động vào trong khuôn khổ pháp lý để quản lý chặt chẽ, minh bạch và bình đẳng, chống việc doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều nguồn vốn để độc quyền.

Từ khi ra đời tại Việt Nam, Taxi công nghệ đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Bởi lẽ, các đơn vị Taxi công nghệ đã tổ chức rất nhiều chương trình khuyến mại lớn, tặng chuyến cho khách hàng, thưởng chuyến cho lái xe thậm chí có những chuyến xe “0 đồng” để chiếm lĩnh thị phần. Mục tiêu để triệt tiêu các doanh nghiệp truyền thống và chiếm lĩnh toàn bộ thị phần.

“Khi họ đã có số lượng xe chiếm đến 70% - 80% thị phần trên thị trường bắt buộc khách hàng có nhu cầu vận chuyển gấp phải đi xe của, họ sẽ điều tiết thị trường. Taxi công nghệ sẽ hướng tới các loại hình kinh doanh khác như tài chính, vận chuyển hàng ăn,... Bên cạnh đó là câu chuyện về bảo mật dữ liệu cá nhân khách hàng nếu như đơn vị vận tải rút khỏi thị trường thì ai sẽ quản lý những điều này...?”, ông Hùng băn khoăn.

Trong khi đó, Taxi truyền thống từ ngày lễ đến ngày thường, từ giờ cao điểm đến thấp điểm ở khung trong một loại giá đã được đăng ký kê khai, niêm yết ở ngoài thành xe để mọi người được biết.

Ngoài ra, việc bùng phát cá nhân tự mua xe ô tô để chạy Taxi công nghệ, hoạt động tràn lan làm gia tăng lượng phương tiện gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là sự cạnh tranh lớn với các loại hình phương tiện khác, thậm chí là cả phương tiện công cộng như xe buýt.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, để NĐ 10 đi vào thực tiễn đời sống rất cần sự quản lý chặt chẽ về số lượng phương tiện của các đơn vị chức năng để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách bằng Taxi.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tao-su-canh-tranh-lanh-manh-trong-hoat-dong-van-tai-hanh-khach-bang-taxi-co-kha-thi-post75014.html