Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngày 20/4/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Ảnh: TG

Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Ảnh: TG

Ngay sau khi nghị quyết số 01 ra đời, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng các chương trình, kế hoạch để thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc ở cấp mình để chỉ đạo, triển khai đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song do có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số năm 2021 đã đạt được một số kết quả, nổi bật là: Hạ tầng mạng viễn thông đã phủ rộng khắp trên địa bàn tỉnh bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, 100% số xã có sóng di động 2G, 3G và 100% thị trấn, thành phố có sóng di động 4G, mạng Internet băng rộng cáp quang triển khai đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Các hệ thống thông tin dùng chung quan trọng của tỉnh được vận hành ổn định, hiệu quả, bước đầu đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Tỉnh Ninh Bình hoàn thành sớm việc công bố 100% các thủ tục hành chính có đủ điều kiện đưa lên áp dụng dịch vụ công mức độ 4 và tích hợp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, đánh giá cao. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được triển khai theo mô hình 4 lớp và đã kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia...

Có thể nói, kết quả thực hiện công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số năm 2021 đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan nhà nước và đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.

Tuy vậy, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh ta năm qua vẫn còn những hạn chế, nhất là việc lãnh đạo, quản lý một số sở, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, còn coi nhẹ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số nên việc triển khai thực hiện thiếu quyết liệt, hình thức.

Các nền tảng phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Kho dữ liệu tập trung của tỉnh chưa hoàn thành; các phần mềm triển khai chưa đồng bộ, rất khó xác định được quy chuẩn kết nối vì đa số là các phần mềm chuyển giao hoặc đóng gói, dẫn đến khó thực hiện việc kết nối, tích hợp về Trung tâm dữ liệu của tỉnh. Thiết bị CNTT tại nhiều cơ quan, đơn vị đã cũ, cấu hình thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sang dải địa chỉ IPv6 trong thời gian tới.

Tại các xã, vẫn còn thiếu máy tính cho cán bộ, công chức để sử dụng. Tại nhiều đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện chưa chú trọng đầu tư, mua sắm hoặc nâng cấp thiết bị CNTT. Mạng nội bộ của các cơ quan, đơn vị còn thiếu thiết bị đảm bảo an toàn thông tin theo chuẩn mô hình yêu cầu về mạng TSLCD của Cục Bưu điện Trung ương. Công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu ở phần lớn các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tổ chức tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến còn chưa thực chất, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng. Nguồn nhân lực để làm công tác tham mưu, triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đối số, đảm bảo an toàn thông tin của tỉnh còn thiếu, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

Năm 2022 được tỉnh ta xác định là năm hành động, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt, hiệu quả. Do vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là đội ngũ lãnh đạo và đặc biệt là người đứng đầu cần phải chủ động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Trước hết là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động nghiên cứu, đề xuất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, tránh các biểu hiện chủ quan, lơ là dẫn đến việc triển khai mang tính hình thức mà phải đảm bảo các kết quả đạt được là thực chất.

Tập trung triển khai thực hiện số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương mình phụ trách, phấn đấu hoàn thành đúng lộ trình các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng, tạo lập, phát triển dữ liệu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ được giao về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; sử dụng chữ ký số, gửi, nhận, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.

Phát triển, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP), kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở của tỉnh đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu giữa các hệ thống thông tin các cơ quan nhà nước của tỉnh, đảm bảo yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia....

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ góp phần quan trọng cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tao-su-chuyen-bien-manh-me-thuc-chat-ve-xay-dung-chinh-quyen/d20220225081111509.htm